27 C
Hanoi
20/04/2024
Image default
Kinh doanh vàng Tin mới nhất Vàng

Sao lại đề xuất tăng thuế giữa lúc nhà kinh doanh lao đao?

Nếu đề xuất tăng thuế xuất khẩu vàng nữ trang từ 0% lên 2% được thông qua, sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước rơi vào cảnh “chết chùm”.

Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) có kiến nghị trình lên Bộ Tài chính không điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu vàng, giữ nguyên mức thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ bằng 0%.

“Một đề xuất không vì mục tiêu chung”

Trước đó, trong Hồ sơ xây dựng dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020, Bộ Tài chính ghi nhận số liệu xuất khẩu vàng nữ trang của Việt Nam trong vài năm gần đây tăng rất cao.

Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm năm 2019 là 2,1 tỉ USD (tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018); năm 2020 là 2,6 tỉ USD, tập trung chủ yếu mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng dưới 95% (năm 2020 khoảng 2,1 tỉ USD).

Bộ Tài chính cũng nhận thấy hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu vàng nữ trang chủ yếu khai báo mặt hàng xuất khẩu là vàng mỹ nghệ các loại, hàm lượng vàng dưới 95% và được hưởng mức thuế xuất khẩu là 0%.

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan Hải quan, tiêu chuẩn giữa các mặt hàng có thuế suất 0% và 2% rất khó phân biệt nên việc tính thuế đều căn cứ theo khai báo của doanh nghiệp, cơ quan hải quan không có đủ cơ sở để kiểm tra.

Để khắc phục những vướng mắc trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ thống nhất một mức thuế suất đối với mặt hàng vàng, không phân biệt theo hàm lượng vàng như hiện nay (tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng có hàm lượng dưới 95% từ 0% lên 2%), không chia cụ thể theo hàm lượng vàng để “đơn giản hoá biểu thuế”.

Bình luận về lý do của khiến Bộ Tài chính khi đề xuất tăng thuế xuất khẩu vàng nữ trang có hàm lượng vàng dưới 95% lên 2% “để đơn giản hoá biểu thuế”, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Tăng thuế chỉ để đơn giản hoá biểu thuế là một cách làm máy móc, không hiểu rõ thực trạng của doanh nghiệp kinh doanh vàng. Điều hành theo kiểu để lấy cái dễ cho mình, đẩy cái khó cho doanh nghiệp là cách tư duy rất nguy hiểm.

“Cách làm như vậy không phải tư duy của nền kinh tế thị trường, càng không phải tư duy của ngành tài chính. Bởi ngành tài chính là làm sao tạo ra nguồn thu cho ngân sách, mà muốn tăng thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, thế nhưng với chính sách tăng thuế để “đơn giản hoá biểu thuế” thì đâu còn là nuôi dưỡng nguồn thu nữa.

Chỉ nghĩ đến đơn giản thủ tục mà không nghĩ đến ngân sách nhà nước sẽ bị thất thu bao nhiêu, bỏ qua lợi ích của doanh nghiệp và người dân sẽ gây ra nhiều hệ luỵ.

Đã làm chính sách thì bao giờ cũng phải tính toán đến lợi ích của tất cả các bên liên quan. Phải nghiên cứu xem tác động của chính sách tới doanh nghiệp, người dân ra sao. Cách làm như vậy là không phải thực hiện vì mục tiêu chung” – TS. Ngô  Trí Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một số ý kiến khác cũng cho rằng trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn do dịch như hiện nay mà đề xuất tăng thuế là quá bất hợp lý.  

Doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang lao đao vì dịch COVID-19. Ảnhh: T.L

Bóp nghẹt thị phần xuất khẩu vàng trang sức

Đại diện cho các hội viên trong Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA nêu quan điểm: Nếu áp mức thuế suất xuất khẩu đối với vàng trang sức có hàm lượng vàng dưới 95% là 2% như dự thảo chắc chắn các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ không thể xuất khẩu được các mặt hàng này. Vì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước trên thị trường quốc tế hiện nay rất yếu.

“Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong bối cảnh giá vàng nguyên liệu trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 6-8 triệu đồng/lượng và đầu tư thiết bị công nghệ (trừ một vài doanh nghiệp lớn) thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh vàng nước ngoài nếu chưa có sự hỗ trợ thỏa đáng về mặt chính sách”, ông Long nói.

TS Ngô Trí Long cũng cho rằng trong bối cảnh hiện tại là các doanh nghiệp trong nước không được nhập khẩu vàng mà chỉ thu mua vàng nữ trang trôi nổi trong nước để tái chế. Đây là ngành nghề lao động tạo ra nguồn thu cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho thợ kim hoàn.

Do đó, nếu đề xuất này được thông qua sẽ bóp nghẹt thị phần của các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nếu hạn chế xuất khẩu vàng nữ trang, không chỉ tác động đến công ăn việc làm của người dân, không tạo nguồn thu cho nhà nước, mà còn đi ngược với định hướng của chính phủ là hướng đến nền kinh tế xuất khẩu. Trong khi đây là ngành là Việt Nam có khả năng cạnh tranh rất cao.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại TP.HCM chia sẻ: Tăng thuế theo hình thức đánh đồng với các sản phẩm vàng nữ trang xuất khẩu như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp. 2% trên giá trị xuất khẩu của một lô hàng vàng nữ trang là khoản thu rất lớn đối với doanh nghiệp.

Để dẫn chứng, vị Tổng giám đốc này nói: “Giả sử giá vàng nữ trang xuất khẩu là 50 triệu đồng lượng và lô hàng xuất khẩu có giá trị là 100 tỉ thì chỉ tính riêng tiền thuế 2% thì doanh nghiệp đã mất tới 2 tỉ đồng. Trong khi đó, mỗi lượng vàng nữ trang doanh nghiệp lời cao nhất là khoảng 500.000 đồng.

Vậy giờ đây, nếu tính thuế cao như vậy thì doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu sao nổi. Chưa kể là vàng trong nước luôn cao hơn thế giới rất nhiều, cộng thêm thuế 2% thì chả còn doanh nghiệp nào xuất khẩu được nữa.

Mà không xuất khẩu được thì biết bao nhiêu vốn liếng mà doanh nghiệp vàng chót đầu tư vào hệ thống máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất, lò đúc, lò sấy… lên đến hàng triệu USD sẽ lại đắp chiếu mà thôi”.

Theo tiết lộ của một chuyên gia trong ngành vàng, đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với vàng nữ trang chỉ là do sợ xuất khẩu vàng nữ trang nhiều như vậy mà lại để thuế 0% thì sợ thất thu thuế.

Tuy nhiên, thực tế việc  xuất khẩu vàng nữ trang của Việt Nam chỉ diễn ra khi nào giá vàng trong nước thấp hơn thế giới. Nhìn lại biểu đồ giá vàng trong  nước cho thấy phần lớn thời gian giá vàng nội đều chênh rất xa so với vàng ngoại.

Bên cạnh đó, dù không thu được thuế nhưng doanh nghiệp lại có thu về nguồn ngoại tệ dồi dào. Nhờ đó mà tỉ giá năm ngoái từ tháng 5 đến tháng 9 rất ổn định. 

“Chưa kể, nếu quy định mức thuế xuất khẩu như dự kiến của Bộ Tài chính là 2% thì việc xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp sẽ không có và xuất khẩu lậu qua biên giới sẽ tăng mạnh và rất khó kiểm soát. Đồng thời cũng gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ do hành vi buôn lậu vàng qua biên giới” – ông Nguyễn Thành Long cho biết thêm.

Theo PLO

Tin liên quan

Đang tải....