23 C
Hanoi
21/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Quốc gia nhỏ bé với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới được dự báo tăng trưởng GDP hơn 37% trong năm 2023

Guyana là một quốc gia Nam Mỹ với dân số khoảng 800.000 người. Theo dự báo GDP gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quốc gia này có thể tăng trưởng trên 37% cho đến cuối năm nay. Đây được đánh giá là một tốc độ “cực nhanh”.

Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới có thể tăng gấp đôi trong thời gian từ nay đến năm 2028, với động lực là nguồn lợi nhuận từ khai thác dầu lửa và lĩnh vực xuất khẩu.

IMF không phải là tổ chức dự báo duy nhất lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Guyana. BMI – một bộ phận nghiên cứu của công ty Fitch Solutions – cũng nhận định rằng “Guyana sẽ chứng kiến tăng trưởng kinh tế bùng nổ trong năm nay”.

Ông Andrew Trahan, người đứng đầu bộ phận phân tích khu vực Mỹ Latinh của công ty Fitch Solutions, kỳ vọng GDP thực của Guyana sẽ tăng khoảng 115% trong 5 năm tới. Mức độ chính xác của dự đoán này sẽ phụ thuộc vào việc sản xuất dầu mỏ bổ sung nhanh đến mức nào.

Dữ liệu của IMF cho thấy, Guyana đạt tốc độ tăng trưởng GDP 62,3% trong năm 2022, cao nhất trên thế giới.

Ngoài ra, khu vực phi dầu khí của nền kinh tế Guyana cũng đang phát triển mạnh mẽ nhờ đầu tư vào giao thông, nhà ở và giáo dục. Báo cáo của IMF cho biết, các ngành nông nghiệp, khai khoáng và khai thác đá của nước này cũng đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP.

Theo dự báo của ông Trahan, Guyana sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay và ít nhất 2 năm tiếp theo.

Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ này sẽ duy trì trong những năm sắp tới vì sản lượng dầu còn tăng”, ông Trahan đánh giá.

IMF dự báo nền kinh tế Guyana tăng trưởng 37,2% trong năm nay, đạt mức 20,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế Guyana không phải không có rủi ro. Chuyên gia Valerie Marcel của tổ chức nghiên cứu Chatham House nói rằng xu hướng tăng trưởng của Guyana – quốc gia từng thuộc nhóm nghèo nhất ở vùng Caribbean – sẽ tiếp tục nhưng phụ thuộc vào ổn định chính trị và giá dầu cao.

Giá dầu sẽ có nhiều biến động và sẽ có lúc giảm xuống mức thấp. Bởi vậy, điều vô cùng quan trọng đối với Guyana là phải đa dạng hoá nền kinh tế”, bà Marcel nói.

Giống như bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu lửa, Guyana đối mặt với nhiều rủi ro, chủ yếu là nạn tham nhũng và “căn bệnh Hà Lan” – bà Marcel cảnh báo. “Căn bệnh Hà Lan” là một thuật ngữ kinh tế chỉ những ảnh hưởng tiêu cực xuất phát từ tốc độ phát triển quá nhanh dựa trên nguồn tài nguyên mới phát hiện, gây tổn thất cho toàn bộ nền kinh tế.

Tương tự, BMI cũng nhận thấy rủi ro chính trị đối với nền kinh tế Guyana.

Guyana là một quốc gia có lịch sử chia rẽ sâu sắc giữa người gốc Ấn và người gốc Phi. Tham nhũng và tội phạm có tổ chức cũng là những vấn nạn ở nước này”, ông Trahan nhận định, nói thêm rằng nguồn lợi nhuận từ dầu lửa có thể làm trầm trọng thêm những chia rẽ đó ở Guyana.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....