Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp đà giảm sâu ngày thứ ba liên tiếp khi các cổ phiếu tên tuổi đi xuống từ đỉnh kỉ lục. Nhiều ý kiến ở Phố Wall tin rằng diễn biến tiêu cực bắt nguồn từ những lo ngại rằng việc ồ ạt đổ tiền vào cổ phiếu công nghệ đã đẩy định giá của các công ty này lên mức không bền vững.
Ngay cả với đợt giảm của tuần trước, Nasdaq vẫn tăng hơn 70% so với mức đáy tháng 3.
Phố Wall chìm trong sắc đỏ, công nghệ và năng lượng là nhóm thể hiện yếu kém nhất
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 632,42 điểm, tương đương 2,25%, xuống 27.500,89 điểm. S&P 500 giảm 95,12 điểm, tương đương 2,78%, xuống 3.331,84 điểm. Nasdaq giảm 465,44 điểm, tương đương 4,11%, xuống 10.847,69 điểm.
11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều chốt phiên trong sắc đỏ với công nghệ và năng lượng giảm mạnh nhất. Truyền thông ngày 4/9 đưa tin SoftBank đã mua lượng lớn quyền chọn trong thời gian Phố Wall tăng điểm khiến nhà đầu tư càng thêm lo ngại.
Công nghệ mất 4,59%, là lĩnh vực chính khiến 3 chỉ số giảm điểm ngày thứ ba liên tiếp. Đây cũng là 3 phiên công nghệ diễn biến tệ nhất kể từ giữa tháng 3 nhưng vẫn là lĩnh vực tốt nhất tính từ đầu năm. Lĩnh vực năng lượng giảm 3,71%.
Điểm qua một số cổ phiếu giảm điểm sâu trong ngày gần nhất. Cổ phiếu Apple giảm đến 6,7% xuống 112,82USD/cổ phiếu. Cổ phiếu Apple đã giảm 14% và mất khoảng 320 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường trong chỉ 3 phiên gần nhất dù rằng Apple đã thông báo sẽ công bố ra loạt sản phẩm mới trong thời gian không lâu nữa. Facebook và Amazon cùng sụt trên 4%. Microsoft giảm 6,7%, Netflix mất 1,8%; Alphabet (công ty mẹ của Google) và Zoom giảm lần lượt 3,6% và 5,1%.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 8/9 là 10,48 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 9,32 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Dầu thô lao dốc hơn 5%, xuống dưới 40USD
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex sụt 3,01 USD (tương đương 7,6%) xuống 36,76 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn mất 2,23 USD (tương đương 5,3%) còn 39,78 USD/thùng.
Cả dầu WTI và dầu Brent đều khép phiên tại mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Trong khi đó, chênh lệch giữa hợp đồng dầu WTI và dầu Brent là lớn nhất kể từ ngày 20/8/2020.
Số ca nhiễm Covid-19 đang tăng tại Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha và nhiều khu vực tại Mỹ – nơi tỷ lệ lây nhiễm vẫn chưa được kiểm soát suốt nhiều tháng qua. Tình trạng này có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế thế giới, cản trở nhu cầu nhiên liệu.
Kỳ nghỉ cuối tuần dịp lễ Lao động ngày 7/9 đánh dấu kết thúc mùa hè đi lại tại Mỹ, giai đoạn nhu cầu xăng thường lớn nhất, pha trộn các rắc rối cung cầu vào thị trường, theo Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho. “Với các cơ sở lọc dầu sắp giảm công suất trong vài tuần tới, tồn kho dầu thô sẽ tăng cao hơn”.
Sự tháo chạy khỏi vị thế mua ròng càng làm tình trạng bán tháo thêm nghiêm trọng, Yawger cho biết thêm.
Giavang.net tổng hợp