Phiên giao dịch ngày thứ Hai, các chỉ số chứng khoán Mỹ đóng cửa ở trên hoặc sát ngưỡng đóng cửa cao nhất mà thị trường từng xác lập. Các biện pháp phong tỏa được nới lỏng tại thành phố New York và nhiều nơi khác không khỏi khiến nhà đầu tư lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế.
Phố Wall hứng khởi hơn bao giờ hết, NĐT đua nhau xuống tiền
Kết phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 461,46 điểm, tương đương 1,7%, lên 27.572,44 điểm, xóa bớt đà sụt giảm trong năm 2020 xuống còn 3,3%.
Cùng chiều, chỉ số S&P 500 tăng 38,46 điểm, tương đương 1,2%, lên 3.232,39 điểm, trong năm nay, có lúc, S&P 500 đã giảm hơn 30%, hiện tại tăng 0,05%.
Đáng chú ý, chỉ số Nasdaq tăng 110,66 điểm, tương đương 1,13%, lên 9.924,75 điểm, cao nhất mọi thời đại. Đỉnh lịch sử gần nhất của Nasdaq là 9.817,18 điểm thiết lập ngày 19/2.
Các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại kinh tế, bao gồm hàng không, bán lẻ và du thuyền, dẫn đầu đà tăng một lần nữa. Cụ thể, cổ phiếu United Airlines leo dốc 14,8%, còn cổ phiếu American Airlines vọt 9,2%. Cổ phiếu Kohl’s tăng 8,4%. Cổ phiếu Carnival Corp. bứt phá 15,8%.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 8/6 là 16,46 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,35 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Dầu thô điều chỉnh sau khi có nhiều tuần tăng giá liên tục
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex lùi 1,36USD (tương đương 3,4%) xuống 38,19 USD/thùng, sau khi dao động tại mức cao trong phiên là 40,44 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn mất 1,50 USD (tương đương gần 3,6%) còn 40,80 USD/thùng. Hợp đồng này đã chạm mức đỉnh trong phiên là 43,41 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng này đều đã khép phiên ngày thứ Sáu (05/06) tại mức cao nhất kể từ ngày 06/03 và đánh dấu 6 tuần leo dốc liên tiếp với dự đoán về thỏa thuận từ những nhà sản xuất dầu chủ chốt.
OPEC cùng các đồng minh, tức OPEC+, hồi tháng 4 nhất trí giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6 để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh Covid-19 khiến lực cầu giảm mạnh. OPEC+ ngày 6/6 họp và quyết định duy trì mức giảm trên đến hết tháng 7. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman ngày 8/6 nói nước này và UAE, Kuwait sẽ không duy trì cắt giảm vượt mức 1,18 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ bắt đầu tái mở cửa các giếng dầu. Giới phân tích nhận định động thái này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi lực cầu, làm suy yếu nỗ lực của OPEC. Arab Saudi đã tăng giá bán dầu với dự báo lực cầu tăng.
Giavang.net tổng hợp