Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 3 liên tiếp vào ngày thứ Sáu (24/04), tuy nhiên giá dầu WTI vẫn sụt hơn 32% trong tuần qua, khi nhà đầu tư hàng hóa cố gắng suy nghĩ cẩn trọng về đà sụt giảm lịch sử của giá dầu vì các vấn đề dư cung và không gian lưu trữ thu hẹp.
“Bất kỳ sự phục hồi đáng kể nào của giá dầu cũng khó có thể kéo dài sau sự biến động đã chứng kiến hồi đầu tuần này”, Lukman Otunuga, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại FXTM, nhận định. “Đà suy yếu của dầu dự kiến vẫn là chủ đề chính trong quý 2/2020 do nhu cầu giảm mạnh, lo ngại về đà giảm tốc tăng trưởng toàn cầu và sự thiếu hụt không gian lưu trữ”.
Phố Wall tăng điểm tốt nhưng vẫn không thể xóa bỏ đà giảm tuần
Đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 260,01 điểm, tương đương 1,11%, lên 23.775,27 điểm. S&P 500 tăng 38,94 điểm, tương đương 1,39%, lên 2.836,74 điểm.
Nasdaq tăng 139,77 điểm, tương đương 1,65%, lên 8.634,52 điểm.
Công nghệ là lĩnh vực có diễn biến khởi sắc nhất trong S&P 500, tăng 2,1% khi cổ phiếu Apple tăng hơn 2%. Ngược lại, cổ phiếu Boeing mất giá hơn 6% sau thông tin công ty dự định giảm nửa sản lượng dòng 787 Dreamliner.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 24/4 là 10,2 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,5 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch trước đó.
Chốt tuần, Dow Jones giảm 1,9%, S&P 500 giảm 1,3% còn Nasdaq giảm 0,2%. Đó là tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần trên Phố Wall.
Dầu thô vẫn phải đối mặt với tuần giảm khủng
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex tiến 44 xu (tương đương 2,7%) lên 16,94 USD/thùng, nhưng đã dao động tại mức thấp 15,64 USD/thùng trong phiên qua đêm. Bất chấp đà tăng vượt trội, dầu WTI vẫn sụt 32,3% trong tuần qua, dựa trên hợp đồng giao tháng 6, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong lịch sử, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn cộng 11 xu (tương đương 0,5%) lên 21,44 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 23,7%.
Thị trường năng lượng trong tuần biến động mạnh, nối tiếp xu hướng bán tháo xuất hiện từ đầu tháng 3 do Covid-19 khiến lực cầu thế giới mất 30%. Nhiều yếu tố cơ bản như số lượng giàn khoan dầu hoạt động giảm tại Mỹ thường có lợi cho giá dầu nhưng những ảnh hưởng tích cực này phải mất nhiều tháng nữa mới bộc lộ.
“Thật là một tuần kinh khủng”, Todd Staples, chủ tịch Texas Oil & Gas Association, nói. “Biến động đã đẩy giá dầu xuống dưới 0”.
Giavang.net tổng hợp