Thống đốc bang New York Andrew Cuomo bày tỏ thái độ lạc quan về tình hình tại bang mình – tâm dịch lớn nhất nước Mỹ. Cụ thể vào sáng 14/4, ông phát biểu rằng số ca tử vong mới liên quan tới COVID-19 tại New York đang đi ngang, ông cũng nói thêm rằng số ca phải nhập viện vì virus này vẫn khá thấp.
Tổng thống Trump cũng tuyên bố trong một buổi họp báo tối 13/4 rằng tốc độ tăng số ca nhiễm mới đã ổn định, cho thấy “bằng chứng rõ ràng” rằng các biện pháp kiểm soát tại Mỹ đang có hiệu quả.
Phố Wall liên tục tăng, nhà đầu tư vẫn chưa dám xuống tiền
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 558,99 điểm, tương đương 2,39%, lên 23.949,76 điểm. S&P 500 tăng 84,43 điểm, tương đương 3,06%, lên 2.846,06 điểm. Nasdaq tăng 323,32 điểm, tương đương 3,95%, lên 8.515,74 điểm.
Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của Nasdaq. Lực kéo chính của chỉ số này là cổ phiếu Amazon, tăng 5,3%, lên 2.283,32 USD/cổ phiếu, mức đóng cửa cao kỷ lục.
Dow Jones tăng gần 560 điểm nhờ các cổ phiếu Johnson & Johnson, Microsoft và Apple lần lượt vọt 4,5%, 4,9% và 5%.
Ông Jan Hatzius – Kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định: “Các thị trường tài chính đã bắt đầu có cái nhìn lạc quan hơn. Sự cải thiện ban đầu chủ yếu là do các động thái chính sách mạnh tay. Nhưng những chuyển biến gần đây ít nhất có một phần nguyên nhân đến từ bản thân tình hình dịch bệnh”.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 14/4 là 12,01 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 14,58 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch gần nhất.
Dầu thô sụt đáy 2 tuần vì triển vọng nhu cầu tồi tệ
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex rớt 2,30 USD (tương đương 10,3%) xuống 20,11 USD/thùng, sau khi tích tắc sụt xuống đáy 19,95 USD/thùng. Hợp đồng này đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 30/03/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 2,14 USD (tương đương 6.,7%) còn 29,60 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 01/04/2020.
Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn tác động tiêu cực đến dầu, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày thứ Ba dự báo sự thu hẹp kinh tế toàn cầu đạt 3% trong năm nay, sau đó phục hồi 5,8% trong năm 2021. Đây là cuộc suy thoái còn sâu hơn cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009. IMF cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ sụt 5,9% trong năm nay.
Ủy ban Đường sắt (RRC) Texas hôm thứ Ba đã tổ chức một phiên điều trần để thảo luận về khả năng giảm 20% sản lượng dầu cho bang này, tương đương 1 triệu thùng/ngày trong tổng sản lượng 5 triệu thùng/ngày ở Texas. Bang này chiếm khoảng 40% tổng sản lượng tại Mỹ.
Giavang.net tổng hợp