Phát biểu trong ngày thứ Tư tại một webcast do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổ chức, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết triển vọng kinh tế nước Mỹ “là rất bất ổn và chịu nhiều rủi ro suy giảm”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Fed sẽ không xem xét lãi suất âm như một phần của bộ công cụ chính sách tiền tệ, cho rằng dữ liệu theo dõi khá trái chiều.
“Mặc dù đã phản ứng kịp thời và phù hợp về kinh tế, nhưng đây có thể chưa phải là chương cuối cùng, khi xét đến con đường quá bất ổn ở phía trước và còn hứng chịu nhiều rủi ro suy giảm”, ông Powell chia sẻ. Tuy nhiên, ông Powell cũng nói thêm nền kinh tế có thể chứng kiến sự phục hồi mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Phố Wall phủ kín sắc đỏ, chỉ số sợ hãi tăng cao
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư 13/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 516,81 điểm, tương đương 2,17%, xuống 23.247,97 điểm. S&P 500 giảm 50,12 điểm, tương đương 1,75%, xuống 2.820 điểm. Nasdaq giảm 139,38 điểm, tương đương 1,55%, xuống 8.863,17 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, năng lượng giảm sâu nhất, mất 4,4%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng mất 4,4% theo đà giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.
Walgreens Boots Alliance và American Express là những cổ phiếu có thành quả kém nhất thuộc Dow Jones, đều sụt ít nhất 5,4%.Cổ phiếu Bank of America và Citigroup đều mất hơn 4%, trong khi cổ phiếu Wells Fargo lao dốc 6,3%. Cổ phiếu JPMorgan Chase lùi 3,5%.
Nhóm cổ phiếu tàu du lịch Carnival, Royal Caribbean và Norwegian Cruise Line đều giảm ít nhất 5%. Những cổ phiếu này là một trong những cổ phiếu được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Nhóm cổ phiếu hàng không đã chạm mức thấp mới cho cuộc khủng hoảng, với cổ phiếu American Airlines rớt 5,6%, còn cổ phiếu Delta sụt 7,7%. Cổ phiếu United Airlines “bốc hơi” 9%.
Chỉ số CBOE VIX đo sự sợ hãi trên Phố Wall tăng phiên thứ hai liên tiếp, thêm 2,24 điểm lên 35,28 điểm, trong phiên có lúc chạm đỉnh kể từ ngày 4/5.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 13/5 là 12,43 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 11,44 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Số liệu nguồn cung giảm cũng không khiến thị trường năng lượng khởi sắc
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lùi 49 xu (tương đương 1,9%) xuống 25,29 USD/thùng. Hợp đồng này đã tích tắc tăng cao hơn ngay sau dữ liệu nguồn cung của EIA.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn mất 79 xu (tương đương 2,6%) còn 29,19 USD/thùng.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa giảm 700.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 08/05/2020, đánh dấu tuần sụt giảm đầu tiên trong 16 tuần và trái ngược với dự báo tăng 4,8 triệu thùng trước đó từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, cũng như dự báo vọt 7,6 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Tuy nhiên, thị trường năng lượng chịu áp lực sâu sắc từ bình luận của Chủ tịch Fed. Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, New York, nói:
Mây đen bao phủ thị trường vì bình luận đó. Đó là một bài phát biểu tiêu cực, dễ dàng xóa bỏ ảnh hưởng tích cực nhất là tồn kho tại Mỹ giảm lần đầu kể từ tháng 1.
Giavang.net tổng hợp