Ngày 26/2, Trung Quốc và Hàn Quốc bày tỏ hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 có thể đạt “bước tiến mới”, hướng tới phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump phát tín hiệu tìm kiếm một thỏa thuận giới hạn tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tuần này tại Hà Nội. Sự dè dặt này được xem là một cách tiếp cận có thể giúp mang lại kết quả không lớn nhưng quan trọng của hội nghị.
Theo hãng tin Reuters, hiện chưa rõ Washington và Bình Nhưỡng sẵn sàng tiến xa đến đâu, nhưng giới chức hai bên nói rằng các cuộc thảo luận sẽ bao gồm việc cho phép thanh sát viên kiểm tra việc dỡ bỏ lò phản ứng hạt nhân Yongbon và mở văn phòng liên lạc Mỹ-Triều.
Tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và cho phép một số dự án kinh tế liên Triều như mở một vùng du lịch ở Triều Tiên là một số nội dung khác có thể được bàn thảo tại hội nghị lần này.
Lập trường Mỹ dịch chuyển
“Trong vòng mấy tháng qua, lập trường của Mỹ đã có sự dịch chuyển đáng kể, đặt ra nhiều sự khuyến khích đối với Triều Tiên mà trước đây bị xem là ngoài phạm vi xem xét, ngay cả bởi các chính quyền tiền nhiệm”, ông Adam Mount, nhà phân tích quốc phòng thuộc Federation of American Scientists, nhận định.
Trong thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái, ông Trump và ông Kim nhất trí sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hai bên đã nhất trí rằng các bước xây dựng niềm tin lẫn nhau có thể thúc đẩy mục tiêu đó.
Nhưng không lâu sau hội nghị, Mỹ và Triều Tiên đã cho thấy rõ mỗi bên có ý tưởng khác nhau về phi hạt nhân hóa. Các cuộc đàm phán tiếp theo nhanh chóng rơi vào bế tắc bởi Mỹ đòi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, trong khi Bình Nhưỡng nói rằng những đòi hỏi như vậy là đơn phương và “chẳng khác gì yêu sách của lưu manh”.
Ông Trump, người muốn đưa sự tương tác chưa từng có tiền lệ của ông với Triều Tiên trở thành một thành tựu, giờ đây nói rằng phi hạt nhân hóa vẫn là mục tiêu cuối cùng, nhưng ông không vội trong vấn đề này, miễn là Triều Tiên tiếp tục duy trì việc dừng thử vũ khí từ năm 2017.
Ngoài ra, ông Trump cũng đã đề cập tới khả năng nới các biện pháp trừng phạt cho Triều Tiên – điều mà Bình Nhưỡng luôn thúc giục – nếu Triều Tiên “làm việc gì đó có ý nghĩa” về phi hạt nhân hóa.
Mỹ trước giờ vẫn nói các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ không được dỡ bỏ chừng nào Bình Nhưỡng chưa phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhưng hồi tháng 1, đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun nói điều này không có nghĩa là “chúng tôi sẽ không làm gì cho tới khi các bạn làm tất cả”.
Vấn đề định nghĩa phi hạt nhân hóa
Giới chức Mỹ nói ưu tiên của họ trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-28/2 tại Hà Nội là thiết lập một số yếu tố nền tảng, trong đó quan trọng nhất là đưa ra một định nghĩa chung với Triều Tiên về thế nào là phi hạt nhân hóa.
Cuối năm ngoái, truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng một tuyên bố nói định nghĩa của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa bao gồm “loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Mỹ” – một sự ám chỉ đến chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ các đồng minh của Washington ở châu Á.
Tuyên bố này, cùng với việc ông Trump phàn nàn về chi phí cho lực lượng Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc, đã làm nhiều nghị sỹ Mỹ lo ngại rằng ông Trump có thể chấp nhận giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và cả ông Trump đã khẳng định vấn đề này sẽ không được đưa lên bàn đàm phán.
Các ưu tiên khác của Mỹ trong thượng đỉnh Hà Nội bao gồm nhất trí về một lộ trình cụ thể cho các cuộc đàm phán trong tương lai và đóng băng tất cả việc chế tạo hoặc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2019, Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên “sẽ không sản xuất, thử, sử dụng hay phổ biến vũ khí hạt nhân nữa”. Mặc dù vậy, giới chuyên gia và tình báo Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi về tuyên bố nhà của nhà lãnh đạo. Một nghiên cứu của Đại học Stanford công bố mới đây nói rằng trong 1 năm qua, Triều Tiên có thể đã sản xuất lượng vật liệu hạt nhân đủ cho 7 quả bom.
Trong một động thái mà giới chức Hàn Quốc xem là tối thiểu cần thiết để có được một số nhượng bộ của Mỹ, Triều Tiên đã tuyên bố có thể cho phép các thanh sát viên quốc tế tới kiểm tra việc dỡ bỏ lò phản ứng Yongbyon – nơi sản xuất plutonium và uranium làm giàu cấp độ cao.
Ông Kim Jong Un đã yêu cầu “các biện pháp tương xứng” từ phía Mỹ, và giới phân tích cho rằng khó có chuyện ông Kim chịu dỡ bỏ lò Yongbyon và một số cơ sở khác nếu không được Mỹ nới một số biện pháp trừng phạt.
“Rõ ràng Triều Tiên muốn hầu hết các biện pháp trừng phạt được nới”, giáo sư Park Won-gon thuộc Đại học Handong Toàn cầu của Hàn Quốc nhận xét.
Đòi hỏi có đi có lại của Triều Tiên
Một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters rằng Triều Tiên đã học được cách “chung sống” với các biện pháp trừng phạt và có thể sẽ tiếp tục như vậy một cách vô thời hạn, nhưng ông Kim Jong Un không thể đạt được sự phát triển kinh tế như ông mong muốn chừng nào các biện pháp trừng phạt còn đó.
Theo giáo sư Park, hai bên cần phải quyết định được trình tự của các bước phi hạt nhân hóa và nới trừng phạt tại thượng đỉnh tuần này. “Triều Tiên muốn Mỹ hành động trước, rằng các biện pháp có đi có lại của Mỹ phải được đưa ra trước”, ông Park nói.
Dựa trên các thông tin tình báo, một số nhà phân tích lập luận rằng chính quyền ông Trump nên tìm kiếm các mục tiêu thực tế hơn về kiểm soát vũ khí, thay vì đòi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trong các phát biểu công khai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn bày tỏ hy vọng về phi hạt nhân hóa. Nhưng một bài báo của tờ New York Times hôm Chủ nhật nói rằng trong các cuộc thảo luận riêng tư với các chuyên gia về Triều Tiên, ông Pompeo thừa nhận rằng sẽ là may mắn nếu Triều Tiên nhất trí xóa bỏ 60% số vũ khí và cơ sở vũ khí mà Mỹ đòi hỏi.
Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào giữa ông Trump và ông Kim Jong Un cũng có khả năng đối mặt với sự chỉ trích của các nghị sỹ và quan chức Mỹ hoài nghi về lời hứa từ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, cũng có lo ngại rằng một sự nhượng bộ của ông Trump có thể làm suy yếu những lợi ích của Mỹ ở khu vực.
Theo Vneconomy