Một số nhà phân tích hàng hóa đã suy đoán rằng mong muốn nắm giữ vàng ngày càng tăng của các ngân hàng trung ương (NHTW) là một phần của sáng kiến toàn cầu nhằm làm suy yếu vai trò của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ thế giới. Tuy nhiên, một cựu giám đốc điều hành của ngân hàng trung ương Mỹ coi động thái này là sự đa dạng hóa tự nhiên trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ổn định.
Timothy Fogarty, một chuyên gia ngân hàng quốc tế và là cựu phó chủ tịch cấp cao của Fed New York, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Kitco News rằng, sáng kiến đa dạng hóa trên toàn thế giới sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu vàng của các NHTW trong suốt phần còn lại của năm.
Trung Quốc chưa hẳn muốn loại trừ USD, họ chỉ là tăng vị thế của vàng trong dự trữ
Ý kiến của Forgarty xuất hiện khoảng một tuần sau khi dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiết lộ rằng NHTW đã mua vàng trong tháng thứ năm liên tiếp trong năm nay, thêm 480.000 ounce kim loại quý vào dự trữ vào tháng 4. Hiện, họ có tổng cộng 61,1 triệu ounce vàng trong kho.
Quý đầu tiên là thời điểm rất bận rộn cho việc mua vàng của ngân hàng trung ương. Trong báo cáo xu hướng nhu cầu quý đầu tiên, Hội đồng vàng thế giới cho biết các ngân hàng trung ương đã mua 145,5 tấn vàng trong 3 tháng đầu năm.
Nhìn vào Trung Quốc, Fogarty nói rằng quốc gia này nắm giữ khoảng 3 nghìn tỷ USD nợ chính phủ Hoa Kỳ. Dự trữ vàng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang dao động khoảng 1.900 tấn nhưng chiếm chưa đến 3% tổng dự trữ của Trung Quốc. Ông nhận đinh:
Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có một vấn đề chính đáng với dự trữ ngoại hối và họ đang thiên hẳn về đồng đô la Mỹ. Tôi nghĩ rằng việc mua vàng của họ là hợp lý. Tôi không thể coi đó là phi đô la hóa, mà là nỗ lực nhiều hơn để đưa danh mục đầu tư của họ lên một mức độ đa dạng hơn bình thường.
Câu chuyện mua vàng của nước Nga mang thiên hướng chính trị
Tuy nhiên, Fogarty nói rằng những động lực của Nga đằng sau trữ lượng vàng của họ mang tính chính trị hơn một chút. Ông nói thêm rằng rõ ràng rằng Nga đang cố gắng tránh xa đồng đô la Mỹ. Ngân hàng trung ương của đất nước đã bán một phần đáng kể tiền đô la Mỹ và nắm giữ Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Đồng thời, Nga là người mua vàng lớn nhất trong thập kỷ qua. Ông nhấn mạnh:
Quyết định của họ nhằm chống đô la hóa và việc mua thêm vàng có liên quan đến chính trị nhiều hơn.
Fogarty nói thêm rằng quan điểm chính trị của Nga chưa đủ để truất ngôi đồng đô la Mỹ như một loại tiền tệ dự trữ. Fogarty giải thích rằng, một vấn đề đáng kể với việc giảm đô la hóa là cái gì có thể thay thế cho USD. Ông cho là, không có thị trường nào lớn hoặc thanh khoản như thị trường tiền tệ và trái phiếu của Hoa Kỳ.
Các NHTW khác muốn nâng dự trữ vàng từ mức rất thấp hiện tại
Nhìn vào các NHTW khác tăng dự trữ vàng, Fogarty một lần nữa bác bỏ chủ đề phi đô la hóa. Ông lưu ý rằng nhiều ngân hàng trung ương nắm giữ vàng thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn danh mục đầu tư truyền thống. Cựu quan chức Fed chỉ ra:
Có những lý do kinh tế tốt để các nước nắm giữ một phần dự trữ bằng vàng. Các NHTW trên toàn thế giới cần có một danh mục đầu tư cân bằng bao gồm cả vàng. Cuối cùng, để giải quyết thương mại quốc tế, bạn vẫn sẽ sử dụng đồng đô la Mỹ.
Mặc dù động thái mua của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng, Fogarty cảnh báo các nhà đầu tư không hy vọng rằng nhu cầu thị trường sẽ đẩy giá cao hơn đáng kể.
Thị trường vàng vẫn phải đối mặt với những cơn gió mạnh với thực tế là Cục Dự trữ Liên bang có thể không thực hiện tăng lãi suất.
Mặc dù các thị trường đang định giá 70% cơ hội giảm lãi suất vào cuối năm nay, Fogarty nói rằng kỳ vọng đó có thể hơi quá cao. Với lãi suất hiện đang giao dịch trong khoảng từ 2,25% đến 2,50%, Fogarty lưu ý rằng NHTW không có nhiều chỗ để cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu xấu đi. Vị này bày tỏ:
Tôi nghĩ rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ rất miễn cưỡng cắt giảm lãi suất trừ khi có điều gì đó rất nghiêm trọng xảy ra. Fed sẽ giữ lửa càng lâu càng tốt.
Giavang.net