4 ngân hàng có vốn nhà nước (Big 4) gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy về mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng đã giảm từ 3,4%/năm xuống 3,3%/năm.
Riêng tại Agribank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài từ 13 đến 24 tháng tại quầy cũng đồng loạt giảm từ 6,3%/năm xuống còn 6%/năm.
Đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, BIDV điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 4%/năm xuống còn 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,6%/năm còn 5,3%/năm.
Vietcombank cũng giảm lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 tháng từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,3%/năm xuống 4,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng từ 5,2%/năm xuống 5,1%/năm.
Lãi suất cao nhất tại 4 ngân hàng này vẫn là 6,3%/năm dành cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng.
Sau đợt điều chỉnh này, lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng tại Big 4 đã trở về bằng với thời điểm cách đây 1 năm, trong khi lãi suất huy động đối với kỳ hạn dài vẫn còn cao hơn gần 1%/năm.
Trước đó, nhiều ngân hàng vốn huy động lãi suất ở mức cao như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)… cũng đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất.
Hiện tại lãi suất huy động phổ biến đối với kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại dao động từ 7-7,5%/năm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2023, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Giavang.net