Kết thúc phiên 29/9, VN-Index tăng nhẹ 1,72 điểm (+0,15%) lên 1.154,15 điểm; HNX-Index tăng 1,85 điểm (+0,79%) lên 236,35 điểm; UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,39%) lên 88,78 điểm.
Sau một ngày giằng co quanh ngưỡng 1.155, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.154,15 điểm. Thị trường ghi nhận 7/18 ngành tăng điểm, cho thấy dòng tiền đang có xu hướng tập trung vào một số ngành nhất định.
Mức tăng mạnh nhất thuộc về ngành bất động sản. Về giao dịch của khối ngoại, khối này bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng trên sàn HNX trong phiên giao dịch cuối tháng 9.
Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 2/10
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường tiếp tục duy trì nhịp hồi phục nhưng nhìn chung diễn biến vẫn thể hiện sự thận trọng, thể hiện qua thanh khoản giảm về mức thấp. Thanh khoản thấp cũng cho thấy áp lực cung tạm thời cũng chưa gây sức ép lớn cho thị trường.
Với trạng thái thăm dò cung cầu chưa rõ kết quả, có khả năng thị trường sẽ dao động thăm dò tại vùng 1.150-1.165 điểm trong phiên giao dịch đầu tháng 10 để tiếp tục kiểm tra cung cầu. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu và đánh giá trạng thái thị trường.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà giảm trong phiên đầu tuần 2/10 và chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục giằng co quanh đường trung bình 100 phiên. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khi dòng tiền có khả năng sẽ vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Thanh khoản giảm mạnh cho thấy áp lực bán cũng đã suy yếu đáng kể, nhưng lực cầu vẫn chưa cải thiện ở các mức giá cao.
Rủi ro ngắn và trung hạn hiện nay là đồng USD và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ duy trì đà tăng, chúng tôi cho rằng các yếu tố này sẽ tác động tiêu cực lên diễn biến thị trường trong thời gian tới.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên chiến lược hạ tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt đưa tỷ lệ margin về mức thấp trong các nhịp hồi. Đồng thời, nhà đầu tư không nên mua mới trong giai đoạn này.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau nhịp tăng điểm tích cực đầu phiên, VN-Index dần suy yếu và đánh mất phần lớn thành quả đạt được về cuối phiên. Việc hình thành mẫu nến spinning trung tính cùng thanh khoản sụt giảm về cuối phiên cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trong phiên chốt NAV cuối quý III.
Trong kịch bản thận trọng, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh trong các phiên tới nhằm thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn với ngưỡng hỗ trợ gần được đặt quanh 1.14x và sâu hơn là 1.12x. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trading đã mở trong các nhịp hồi sớm.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, áp lực bán về gần cuối phiên đã khiến cho VN-Index không duy trì được phiên giao dịch phục hồi tốt, đảo chiều về sát mốc tham chiếu và hình thành nến dạng Inverted hammer. Hầu hết các chỉ báo vẫn đang bẻ ngang và cho tín hiệu trung lập.
Trong trường hợp tích cực, VN-Index vẫn có thể hướng lên khu vực 1.170-1.175 trong ngắn hạn, tương ứng với đường Senkou – span B và ngưỡng 0,618 của thang đo Fibonacci thoái lui.
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và lên kế hoạch giao dịch ngắn hạn để quản trị rủi ro. Các nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng từ 10-30% tài khoản cổ phiếu cho chiến lược giao dịch lướt sóng ngắn hạn.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Giavang.net