Đồng Nhân dân tệ có nguy cơ tiếp tục giảm mạnh so với VND, khiến áp lực nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ ngày càng tăng.
CNY giảm mạnh
Giá mua – bán Nhân dân tệ (CNY) tại các ngân hàng liên tục biến động mạnh trong thời gian gần đây. Theo đó, CNY liên tục giảm mạnh trong tuần cuối tháng 5 và rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm trong phiên ngày 28/5. Thời điểm đó, giá mua vào CNY của Vietcombank chỉ là 3.220 VND/CNY, còn giá bán ra là 3.321 VND/CNY.
Sau hai phiên tăng đầu tuần qua, giá mua – bán CNY lại một lần nữa đảo chiều giảm trở lại trong phiên ngày 10/6. Theo đó, chốt phiên giao dịch, giá mua – bán CNY được Vietcombank niêm yết ở mức 3.244/3.346 VND/CNY, giảm 7 VND ở chiều mua và 8 VND ở chiều bán so với phiên trước. Tỷ giá CNY tại BIDV cũng giảm 5 VND ở chiều mua và 7 VND ở chiều bán xuống còn 3.234/3.325 VND/CNY…
Biến động của CNY tại thị trường trong nước luôn theo sát diễn biến tỷ giá cặp CNY/USD trên thị trường thế giới. Theo đó, CNY cũng rớt giá mạnh so với USD trong tuần cuối tháng 5 sau khi căng thẳng Mỹ – Trung bất ngờ nóng lên xung quanh vấn đề Hồng Kông. Thậm chí, CNY tại thị trường quốc tế còn rơi xuống thấp nhất mọi thời đại là 7.1966 CNY/USD trong phiên ngày 27/5 sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Hồng Kông không còn tự trị và sẽ không nhận được những ưu đãi đặc biệt theo luật pháp của Mỹ như trước đây.
Tuy nhiên, CNY sau đó đã phục hồi nhẹ trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không đưa ra thêm biện pháp trừng phạt thuế quan nào cũng như không đả động gì tới việc hủy bỏ thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1. Trong mấy phiên gần đây, CNY giảm giá trở lại so với USD. Trong phiên ngày 12/6, USD tăng 0,26% so với CNY lên mức 7,0835 CNY/USD.
Những hàm ý chính sách
Xu hướng giảm giá của CNY là khá rõ nét. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, CNY đã giảm giá 0,8% so với đồng USD trong tháng 5 vừa qua. Còn tính chung từ đầu năm đến nay, CNY đã giảm 2,2% giá trị so với USD.
Trong khi đó, việc VND chỉ mất giá nhẹ so với USD kể từ đầu năm nay vô hình trung đã khiến VND cũng tăng giá so với CNY. Điều đó không khỏi khiến giới chuyên gia lo ngại cho cán cân thương mại giữa hai nước, nhất là khi kinh tế Trung Quốc cũng đang trên đà phục hồi sau dịch. Rõ ràng, việc CNY mất giá sẽ khiến hàng hóa của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước. Điều này sẽ làm tăng áp lực nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc.
Quả vậy, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng phấn nào cho thấy những lo ngại này. Nếu như đại dịch COVID-19 khiến nhập siêu từ Trung Quốc chỉ ở mức 4,9 tỷ USD trong quý đầu năm nay, giảm tới 43% so với cùng kỳ năm 2019, thì đến tháng 5, con số nhập siêu đã vọt lên 12,9 tỷ USD và chỉ còn giảm 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng quan ngại hơn, nhiều chuyên gia như Marc Chandler – Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Bannockburn Global Forex dự báo, căng thẳng Mỹ – Trung có thể đẩy CNY rơi xuống mức 7,40 CNY/USD.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị, chính sách tỷ giá trong nước cũng cần hết sức linh hoạt, không chỉ vì cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà còn vì Trung Quốc còn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam tại nhiều thị trường. “Nếu CNY tiếp tục mất giá mạnh, nhà điều hành cũng nên cân nhắc giảm giá VND tương xứng để tránh gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nhu cầu toàn càu vẫn yếu vì đại dịch như hiện nay”, một chuyên gia khuyến nghị.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp