Việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc yếu đi sẽ mang lại một số lợi thế cạnh tranh về giá nhưng cũng chứa đựng những rủi ro đối với nền kinh tế nước này, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến thị trường tài chính thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sau nhiều ngày liên tiếp bị Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá, ngày 8/8, tỷ giá tham chiếu ngày của Nhân dân tệ (RMB) đổi một USD chỉ còn 7,0039, lần đầu tiên vượt mức 7,0 kể từ tháng 4/2008. Về logic, đồng nội tệ của Trung Quốc yếu đi có thể xoa dịu tác động từ thuế Mỹ với hàng xuất khẩu của nước này, song cũng làm dấy lên lo ngại chiến tranh tiền tệ có thể bùng phát, hoặc khiến Mỹ đáp trả bằng mức thuế cao hơn.
Con dao 2 lưỡi…
Trên thực tế, mặc dù Trung Quốc phủ định và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng đồng RMB nhìn chung vẫn ổn định so với các loại tiền tệ khác, song lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, cũng lần đầu tiên kể từ năm 1994, Bộ Tài chính Mỹ hôm 5/8 đã chính thức tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Cùng ngày, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cũng khẳng định: “Rõ ràng Trung Quốc đang thao túng đồng RMB vì mục tiêu thương mại; họ phá giá RMB hơn 10% để vô hiệu hóa thuế trừng phạt của Mỹ. Nếu họ tiếp tục, chúng tôi sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ. Nông dân Mỹ sẽ được đền bù và không tổn hại vì Trung Quốc. Trung Quốc sẽ chịu gần như toàn bộ thiệt hại vì thao túng tiền tệ và phá giá đồng tiền. Vết thương của Trung Quốc lớn hơn nhiều lần những gì họ tác động đến Mỹ…”.
Trong Báo cáo đánh giá về kinh tế Trung Quốc, IMF nhận định đồng RMB yếu hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh về giá cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc so với các đối thủ nước ngoài khác, giúp xuất khẩu Trung Quốc vượt qua thách thức từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Với mức thuế 25% lên hàng Trung Quốc, việc RMB yếu đi 10%, tiền thuế sẽ giảm đáng kể. Như vậy, tác động của thuế nhập khẩu sẽ không còn nhiều.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải chấp nhận rủi ro không nhỏ với “đơn thuốc” giảm giá nội tệ. Thực tế 4 năm trước, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc cũng từng mạnh tay hạ giá RMB. Chỉ trong một năm, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế, 680 tỷ USD đã rời Trung Quốc. Đây là dòng vốn mà kinh tế Trung Quốc đang rất cần. Trung Quốc đã phải dùng đến hơn 500 tỷ USD dự trữ ngoại hối để kéo giá RMB lên và thắt chặt kiểm soát hệ thống tài chính, chặn lại rất nhiều kênh từng được sử dụng để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tiền tệ yếu sẽ khiến người Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn khi mua sắm. Núi nợ bằng USD của các doanh nghiệp nước này sẽ trở nên nặng nề hơn. Giá các mặt hàng toàn cầu niêm yết bằng USD, như dầu mỏ cũng sẽ đắt đỏ lên.
Cẩn trọng với hệ lụy
Việc RMB giảm giá và vàng thế giới tăng giá cũng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến thị trường tài chính Việt Nam: áp lực tỷ giá trung tâm tăng nhẹ; giá vàng trong nước tăng phi mã. Đặc biệt, đồng RMB giảm giá, mặc dù giúp nhẹ bớt áp lực trả nợ bằng đồng tiền này, cải thiện giá nhập khẩu từ Trung Quốc, song lại làm tăng áp lực nhập siêu từ thị trường này. Tình hình cũng gây thiệt hại trực tiếp cho những cá nhân và doanh nghiệp Việt đã và đang chấp nhận thanh toán giao dịch hàng hóa qua biên giới với đối tác Trung Quốc bằng đồng RMB, trong khi thiếu chủ động và thành thục sử dụng linh hoạt các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Với những diễn biến khó lường này, chính sách tỷ giá trong thời gian tới cần thận trọng và linh hoạt hơn, vừa tránh điều chỉnh một cách “máy móc” theo mức giảm giá của RMB, vừa không dửng dưng với xu hướng giảm giá các đồng tiền lớn trên thế giới. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục coi trọng kiểm soát thị trường ngoại hối, phòng ngừa các cuộc mua vét, tăng giá đầu cơ vàng và ngoại tệ. Người dân cần bình tĩnh, không tự trở thành nạn nhân của chính mình trong các quyết định mua-bán trên thị trường do bị chi phối bởi tâm lý đám đông hay bởi các thông tin nhiễu giả, mang tính kích động và đầu cơ cao.
Cần nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh mở của, tự do hóa và cạnh tranh thị trường mang tính thương mại cao và xu hướng giảm giá các đồng tiền thế giới hiện nay, giá hàng tiêu dùng sẽ khó tăng, thậm chí có xu hướng giảm dần do tăng nhanh năng lực sản xuất, quy mô thương mại cao, trong khi có sự chậm mở rộng sức mua thị trường.
Riêng thị trường chứng khoán trong nước sẽ vẫn chưa có đột phá trong liên thông với thị trường nước ngoài, song sẽ ngày càng biến động cùng chiều theo kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp niêm yết và những cơ hội tiềm năng từ các ngành, lĩnh vực có triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài.
Về triển vọng, theo Morgan Stanley dự đoán, nếu Mỹ áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 – 6 tháng và nước này đáp trả, thì khả năng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giảm khoảng 0,75% điểm so với mức dự báo tăng trưởng cả năm hiện chỉ khoảng 3,2%… Các ngân hàng trung ương có thể sẽ cắt giảm lãi suất và tiếp tục nới lỏng định lượng; các điều kiện tài chính cũng bị thắt chặt, nhưng điều đó có thể không còn đủ để vực dậy đầu tư. Sự suy yếu trong sản xuất sẽ lan sang dịch vụ. Thất nghiệp sẽ gia tăng và người tiêu dùng sẽ nản lòng. Quy mô giao dịch thương mại toàn cầu sẽ ở mức thấp nhất 10 năm qua…
Đặc biệt, cuộc chiến tiền tệ thế giới mới thực sự gây nhiều hệ lụy tiêu cực toàn cầu nếu đồng RMB tiếp tục đà tụt dốc không phanh!
TS.NGUYỄN MINH PHONG – Báo Quốc tế