Đối với nhà đầu tư, điều duy nhất tệ hơn cả việc bị lỗ là thừa nhận rằng mình đã mắc sai lầm. Nhưng nếu không muốn thua lỗ ngày càng nặng, nhà đầu tư cần phải học cách dọn sạch danh mục mà không thấy xấu hổ.
Bán cắt lỗ
Các khoản lỗ không biến mất khi ta nhìn vào chúng. Nhưng nỗi xấu hổ của chúng ta thì lớn dần lên. Chúng ta tin rằng mình là nhà đầu tư tài ba, và bản năng thường sẽ ngăn cản chúng ta đánh giá kỹ bất kỳ bằng chứng nào có thể làm tổn hại niềm tin đó.
Tuy nhiên, khi thị trường đi xuống, nếu muốn đưa ra quyết định đúng đắn, nhà đầu tư buộc phải thừa nhận những điều mà họ không muốn nhắc đến.
Hãy bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng sự chây ì có thể là một lựa chọn có chủ đích chứ không phải bản tính bẩm sinh.
Kể từ cuối tháng 3, khi thị trường chứng khoán Mỹ tiến sát đến mức cao nhất mọi thời đại, nhà đầu tư đã rút khoảng 80 tỷ USD khỏi các quỹ tương hỗ và quỹ ETF đầu tư chứng khoán, theo số liệu từ Investment Company Institute.
Vào cuối tháng 3, các quỹ đầu tư chứng khoán Mỹ và quốc tế nắm giữ khoảng 19.300 tỷ USD. Vậy là dù triển vọng của thị trường đã xấu đi trông thấy bởi lạm phát và lãi suất, nhà đầu tư cũng chỉ rút khoảng 0,4% tiền của họ ra khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán.
Một phần là do sự chây ì, phần khác là bởi hàng triệu người có kế hoạch đầu tư tự động. Nhưng lý do quan trọng không kém là việc thay đổi hướng đầu tư khi bạn đang mất tiền là điều cực kỳ đau đớn.
Mọi nhà đầu tư đều hiểu rằng “cắt lỗ và để cho lãi chạy” (cut losses and let profits run) là lời khuyên đúng đắn. Nhưng thừa nhận mình là kẻ thất bại còn tệ hơn là cả khoản lỗ.
Do đó, hầu hết các nhà đầu tư đều tránh né việc bán cổ phiếu khi giá giảm. Bạn có thể giả vờ rằng khoản lỗ trên giấy tờ là không có thực, hoặc giá có thể phục hồi trở lại. Mặt khác, bạn không thể nhận ra khoản lỗ nếu không nhận ra mình đã mắc sai lầm.
Tệ hơn nữa, cổ phiếu bạn vừa bán mất có thể tăng giá trở lại, hoặc khoản đầu tư mới mà bạn vừa đổ tiền vào có thể rớt giá – khiến bạn cảm thấy mình đã trở thành kẻ ngốc hai lần.
Vậy nên chẳng có gì lạ khi việc bán cắt lỗ lại khó đến thế và rất nhiều người không nhúc nhích nổi trong thị trường gấu.
Trong một phân tích đăng tải trên Nền tảng Nghiên cứu Khoa học Xã hội (SSRN) gần đây, một nhóm tác giả đã quan sát cách 190.000 nhà đầu tư tại một công ty chứng khoán trực tuyến quốc tế sử dụng lệnh dừng lỗ (stop-loss).
Tính năng này được thiết kế để giới hạn số tiền thua lỗ trong tài khoản bằng cách tự động bán ra khoản đầu tư khi nó rơi xuống một ngưỡng nhất định.
Ví dụ, nhà đầu tư bỏ ra 20 USD để mua một cổ phiếu và đặt lệnh dừng lỗ ở mức giá 15 USD. Theo lý thuyết, anh ta đã hạn chế khoản lỗ tối đa ở 25%.
Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư có thể tiếp tục điều chỉnh ngưỡng cắt lỗ. Khi giá giảm gần đến 15 USD, anh ta có thể hạ ngưỡng này xuống 10 USD. Và khi giá rớt thêm 5 USD nữa, anh ta lại điều chỉnh về mức 7,5 USD, và cứ tiếp tục như vậy.
Kiểu hành vi này có phổ biến không? Sau khi thu thập thông tin về các đợt điều chỉnh vị thế của nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 40% trong số đó là nhằm hạ thấp ngưỡng cắt lỗ.
Giá chứng khoán càng giảm, nhà đầu tư càng hạ ngưỡng cắt lỗ xuống. Thay vì dừng lỗ, nhà đầu tư để cho lỗ chạy. Họ định cắt vị thế nhưng không làm được.
Liệu các nhà đầu tư chuyên nghiệp có giỏi bán cổ phiếu hơn không? Câu trả lời là không.
Nghiên cứu mới của Đại học Chicago và MIT cho thấy trung bình mỗi năm các nhà quản lý quỹ mất khoảng 0,8 điểm % tỷ suất lợi nhuận vì các quyết định bán sai lầm. Nhà quản lý quỹ có xu hướng bán ra các khoản đầu tư lãi nhất hoặc lỗ nhất gần đây. Và thông thường, những khoản đầu tư đó đã tăng giá trở lại sau khi bị loại bỏ.
Ông Alex Imas, giáo sư tài chính của Đại học Chicago và một trong những tác giả của nghiên cứu trên, chỉ ra: “Các nhà quản lý quỹ có thể đạt được kết quả tốt hơn hẳn bằng cách nhắm mắt chọn bừa vài cái tên trong danh mục thay vì bán ra những cổ phiếu họ đã chủ đích bán”.
Thua lỗ không phải thua cuộc
Để biết được liệu quyết định bán ra là đúng hay sai, bạn cần phải theo dõi cả danh mục hiện tại lẫn những gì đã bán ra. Nếu những cổ phiếu bạn bán ra lại sinh lời nhiều hơn những cổ phiếu trong danh mục, thì bạn đã bán nhầm khoản đầu tư. Bạn sẽ không bao giờ biết được điều này trừ khi chịu quan sát.
Bà Annie Duke, cựu nhà vô địch poker, nay là chuyên gia tâm lý học nhận thức, cho biết để có thể tiếp nhận các khoản lỗ, bạn cần phải lên kế hoạch trước. Bà cho biết: “Con người có thành kiến rất lớn với việc từ bỏ một điều gì đó. Khi thực tế mâu thuẫn với cảm nhận của chúng ta, chúng ta sẽ tìm ra cách để chối bỏ thực tế”.
Theo bà Duke, một trong những cách tốt nhất để xác định liệu bạn nên từ bỏ hay không là lập ra sẵn “tiêu chí loại bỏ”. Bộ tiêu chí này đặt ra một loạt các điều kiện mà khoản đầu tư phải đáp ứng – nếu không bạn buộc phải bán nó.
Giả sử bạn đã mua Bitcoin vào năm ngoái vì tin rằng đó là công cụ phòng vệ trước lạm phát. Việc đặt ra “tiêu chí loại bỏ” sẽ khiến bạn phải tuân theo một số điều kiện, ví dụ như: “nếu giá Bitcoin giảm khi lạm phát tăng thì luận lập của tôi đã bị chứng minh là sai. Do đó tôi phải bán Bitcoin nếu lỗ 25% trong giai đoạn lạm phát vượt quá 5%”.
Những người khác có thể có lý do khác để nắm giữ Bitcoin, nhưng bạn không được thay đổi “tiêu chí loại bỏ” sau khi đã có dữ liệu thực tế. Nếu bán ra đúng như kịch bản đã định trước, bạn sẽ tránh được thiệt hại khi Bitcoin mất giá 60% trong năm nay.
Đối với hầu hết các nhà đầu tư, mua và nắm giữ thường là quyết định đúng đắn. Nhưng loại bỏ những cổ phiếu thua lỗ không khiến bạn trở thành một kẻ thua cuộc.
Theo Vietnambiz