Ông chủ Facebook và các doanh nhân siêu thành đạt có những bí quyết vàng biến mọi công việc trở nên nhẹ nhàng, không áp lực mà vẫn hiệu quả bất ngờ.
Ai trong số chúng ta mà chẳng nuôi chí lớn. Ai mà chẳng mong muốn tạo dựng một đế chế lẫy lừng, sống trong nhung lụa, trở thành biểu tượng thành đạt trong lòng công chúng. Khao khát là thế nhưng phần lớn chúng ta là những kẻ nhác việc. Chúng ta không hề thích làm việc mà chỉ có hứng thú với kết quả cuối cùng công việc mang lại. Thật kỳ lạ!
Liệu có cách nào để công việc trở nên bớt nhàm chán hơn không? Nói theo cách khác, làm sao để làm việc không còn là một thứ nghĩa vụ của con người? Nếu bạn tò mò thì dưới đây, 3 doanh nhân xuất chúng sẽ bật mí bộ bí kíp giúp bạn làm việc hiệu quả mà không hề phải chịu chút áp lực nào.
Mark Zuckerberg: Hãy bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất
Thông thường với chúng ta, hai chữ “làm việc” mang ý nghĩa gì đó thật to tát, tựa như việc trèo lên đỉnh Everest vậy. Đôi khi những doanh nhân nghiệp dư hay người lao động bình thường tiêu tốn cả một tuần trời chỉ để chuẩn bị thực hiện mấy việc cỏn con. Đến khi bắt tay xử lý công việc đó, họ chỉ đạt được tối đa 30% năng suất công việc. Tại sao? Bởi lẽ 70% năng suất còn lại đã bị tiêu tốn cho khâu chuẩn bị rồi còn đâu.
Mọi việc không cần phải đi theo chiều hướng đó. Mark Zuckerberg không bao giờ dành quá 24 tiếng chuẩn bị công việc. Nhà sáng lập trẻ, thông minh của Facebook chọn cho mình một nguyên tắc làm việc cơ bản nhưng vô cùng hiệu quả. Cứ như vậy, anh có thể hoàn thành mọi mục tiêu đề ra mà gần như chẳng phải chịu chút áp lực nào.
hay vì xoay xở với những công việc hóc búa, anh luôn bắt đầu với những thứ đơn giản nhất. “Tôi nghĩ kinh doanh có một nguyên lý rất căn bản. Đó là: Nếu bạn đi từ những thứ dễ hiểu nhất, bạn sẽ có cơ hội tiến xa hơn”, ‘siêu sao” của thung Lũng Sillicon đã chia sẻ về nguyên tắc sống của mình như vậy đấy.
Từng bước hoàn thành các mục tiêu nhỏ sẽ giúp bạn có được động lực để tiếp tục vượt qua các trở ngại phía trước. Vì thế, bạn sẽ không cảm thấy những áp lực đè nặng trên vai.
Sean Lourdes: Học cách mở lòng với mọi người
Đi làm để kiếm tiền là một lối tư duy sai lệch mà hầu hết mọi người đều từng mức phải. Bởi lẽ, “sự nghiệp mà chỉ xoay quanh kiếm lợi nhuận, làm giàu, buôn bán mọi lúc mọi nơi thì thật nhàm chán, áp lực và vô nghĩa”, Sean Lourdes, nhà làm phim, sản xuất tạp chí nổi tiếng ở Mỹ chia sẻ.
Hãy học cách cho đi để mang lại niềm vui cho công việc của bạn. Chúng ta cần tiền để sống nhưng không nhất thiết phải biến nó thành mục tiêu cuối cùng. Kinh doanh là để làm hài lòng khách hàng. Đó mới nên là mục tiêu tối thượng một doanh nghiệp nhắm tới. Mở lòng sẽ giúp bạn mang lại sản phẩm tốt hơn và vì thế, sẽ khiến tiền tự động chảy về túi bạn.
Học cách cho đi nhiều hơn nhận lại, dù đó là mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng, ưu đãi nhiều hơn cho đối tác, hay đơn giản quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện. Bằng cách này, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ tìm thấy ý nghĩa của công việc, cuộc sống.
Robin Sharma: Coi công việc là thú vui
Có lần, Robin Sharma, một chuyên gia nghiên cứu hiệu suất công việc, dừng chân nghỉ ngơi tại một khách sạn và điều làm ông ngạc nhiên nhất là việc cô lễ tân còn thậm chí không ngẩng đầu lên chào khách. Ông thấy làm lạ và tự hỏi: Tại sao lại có người làm việc trong ngành Dịch vụ trong khi chính bản thân họ cũng ghét giao tiếp với người khác?
Nếu cứ cố đấm ăn xôi với một vị trí không phải sở trường của mình, bạn sẽ tự chôn vùi bản thân trong những cơn giận dữ vô thời hạn với khách hàng, thậm chí là với đồng nghiệp nữa. Thế nhưng, thật nực cười làm sao khi hầu hết mọi người đều làm việc trong lĩnh vực mình ghét.
Nói theo cách khác, công việc với họ là nhiệm vụ bắt buộc, không phải là một niềm vui – nơi mà họ có thể khai thác tối đa năng lực bản thân để cống hiến. Robin Sharma cho rằng: “Công việc sẽ mãi chỉ là công việc nếu chúng ta không thay đổi cách nhìn nhận nó”.
Nếu công việc với bạn chỉ là vài mục tiêu, nhiệm vụ đơn thuần, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy niềm vui, đam mê trong những gì mình làm. Nếu công việc với bạn chỉ là công việc, bạn sẽ chẳng bao giờ hết lòng với khách hàng của mình. Chính vì thế, bạn cần thay đổi suy nghĩ.
“Nhìn nhận công việc như một sản phẩm thủ công cần hoàn thiện vậy. Có như vậy, bạn mới coi trọng thành quả của mình và nỗ lực hết sức để mang lại những gì tốt đẹp nhất”, Robin Sharma nói.
Theo Nhịp sống kinh tế