Bloomberg nhận định dường như tốc độ tăng trưởng vượt bậc (năm nay Chính phủ kỳ vọng GDP tăng trưởng ít nhất 6,8%) đang là quá nhanh so với khả năng hiện đại hóa nền kinh tế.
Việt Nam có thể là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tuy nhiên, theo Bloomberg, người Việt vẫn quá xa lạ với xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Để hiểu tại sao, hãy nhìn vào những người tiêu dùng như ông Trần Văn Nhân – người vừa mua 1 căn hộ cao cấp 2 phòng ngủ ở Hà Nội bằng những cây vàng và rất nhiều tiền mặt.
“Tôi trả một nửa bằng vàng và phần còn lại bằng tiền mặt”, ông Nhân (47 tuổi và hiện là chủ một cửa hàng nhỏ) nói về căn hộ có giá 138.000 USD của mình. “Chúng tôi làm thế bởi vì hai bên không muốn giao dịch qua ngân hàng, chúng tôi đã quen với việc mua bằng tiền mặt và vàng”.
Chính phủ đang khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử, giảm lượng USD trong lưu thông và củng cố vai trò của tiền đồng. Ngoài ra hướng đến xã hội không tiền mặt còn giúp giảm chi phí in tiền và tạo ra hệ thống thanh toán minh bạch hơn, từ đó hạn chế hành vi trốn thuế và rửa tiền – những vấn đề ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi nền kinh tế 237 tỷ USD tăng trưởng nhanh chóng.
Điều đó có nghĩa là giới thiệu thẻ tín dụng, chuyển khoản và thanh toán điện tử đến với các hộ gia đình, thay vì mang những bao tải tiền và vàng đi mua bán. Hiện chỉ có 31% người Việt trưởng thành có tài khoản ngân hàng và hơn 95% các giao dịch thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt và vàng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, người hiện đang là cố vấn cấp cao tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân, thanh toán bằng tiền mặt và vàng đã in sâu vào văn hóa của người Việt. Điều này đang kéo lùi đất nước. Chính phủ nhận ra rằng để kinh tế Việt Nam có thể hội nhập với thế giới thì nền kinh tế dựa vào tiền mặt buộc phải thay đổi.
Chính phủ cũng đang đặt mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thanh toán làm ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các ngân hàng đến cuối năm 2020 phải giảm khối lượng thanh toán bằng tiền mặt xuống dưới 10%. Thương mại điện tử được quảng cáo rầm rộ tại các siêu thị ở những thành phố và Chính phủ cũng muốn ít nhất 70% công dân từ 15 trở lên sở hữu tài khoản ngân hàng.
Hồi tháng 1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 yêu cầu 100% các nhà cung ứng dịch vụ công – từ bệnh viện đến trường học – triển khai thu học phí, viện phí, tiền điện… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12-2019.
Hiện nay phần lớn trong số 97 triệu dân Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tiền giấy và các kim loại quý (mà phổ biến nhất là vàng) để mua mọi thứ từ rau củ hàng ngày đến ô tô và nhà cửa. Các chủ cửa hàng thường xuyên tới ngân hàng nhiều lần trong tuần, mang theo cả túi tiền mặt mà Bloomberg ví hình ảnh đó giống như những “ông già Noel chở bọc quà bằng xe máy”.
Cách mạng thanh toán?
Việt Nam có nhiều lợi thế để tạo ra 1 cuộc cách mạng thanh toán: dân số trẻ và sành công nghệ với 70% sử dụng smartphone và rất dễ tiếp cận các hệ thống thanh toán điện tử được phát triển bởi các startup Việt. Trên những con đường nhỏ hẹp của thủ đô Hà Nội hay TPHCM, xen lẫn trong dòng xe máy nườm nượp là những chiếc Mercedes-Benz bóng bẩy. Tại các đô thị lớn, hình ảnh thường thấy là những chiếc cần cẩu của các công trường xây dựng, nơi sẽ mọc lên những tòa tháp tráng lệ. Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng.
Amazon, Alibaba và nhiều công ty thương mại điện tử nước ngoài đã bước vào thị trường Việt Nam, nơi doanh thu từ thương mại điện tử trong năm 2018 đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước, lên 8 tỷ USD. Khoảng 1/3 dân số mua sắm online, mặc dù vậy phần lớn vẫn thanh toán bằng tiền mặt.
Nhiều người Việt vẫn còn nhớ thời kỳ 2008, khi lạm phát lên tới 28,3% và do đó vẫn thích giữ tiền tiết kiệm bằng USD và vàng, cất trong két ngay tại nhà. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện trong dân đang nắm giữ tới 400 tấn vàng. Trong khi đó chỉ 4,1% người Việt sở hữu thẻ tín dụng, theo số liệu của ngân hàng Standard Chartered.
“Khoảng 80% khách hàng của tôi thanh toán bằng tiền mặt và tôi cũng cảm thích tiền mặt hơn là khách thanh toán bằng thẻ tín dụng”, cô Nguyễn Thu Hương (44 tuổi), chủ 1 shop quần áo tại TPHCM nói. Cửa hàng của cô cũng có máy đọc thẻ nhưng nó đã bị phủ bụi.
Theo TS. Hiếu, không thể chuyển sang hệ thống thanh toán hiện đại sẽ khiến nền kinh tế bị tụt lại phía sau. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể tiếp cận khoản vay vì các định chế tài chính thường không có cách nào để xác minh doanh thu của các doanh nghiệp này. “Họ có sổ sách để trình cho cơ quan thuế nhưng không có cách nào để ngân hàng xác minh tính chính xác”.
Bloomberg nhận định dường như tốc độ tăng trưởng vượt bậc (năm nay Chính phủ kỳ vọng GDP tăng trưởng ít nhất 6,8%) đang là quá nhanh so với khả năng hiện đại hóa nền kinh tế. Theo Alwaleed Alatabani, chuyên gia World Bank tại Việt Nam, Chính phủ vẫn chưa đưa ra khung pháp lý cần thiết để các phương thức thanh toán trên di động có thể được sử dụng rộng rãi và cũng chưa thành lập các tổ chức có thể đại diện cho ngân hàng tại những vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc là 1 ví dụ cho thấy điều tồi tệ có thể xảy ra nếu như 1 xã hội tiến quá nhanh trong việc sử dụng thẻ tín dụng rộng rãi. Thời kỳ bùng nổ thẻ tín dụng đầu những năm 2000 đã tạo ra bong bóng nợ khổng lồ trong các hộ gia đình nước này. Năm 2004, cứ 13 người Hàn Quốc thì có 1 người bị trễ nợ ít nhất 3 tháng, trong đó 2/3 bị vỡ nợ thẻ tín dụng.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg