(GVNET) – Nhiều người thắc mắc vì sao các ngân hàng không mua lại vàng từ người dân? Người dân có bị thiệt khi mua vàng tại ngân hàng, còn bán vàng lại ở các cửa hàng kinh doanh vàng?
Lý giải về việc vì sao ngân hàng thương mại nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng chứ không mua, bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: “Ngay từ đầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định việc bán vàng thông qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước nhằm mục đích bình ổn thị trường, qua đó kéo giảm chênh lệch giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới, chứ không phải hoạt động kinh doanh.”
Với hoạt động kinh doanh sẽ có cả chiều mua và bán, nhưng hoạt động cung ứng cần được hiểu là hoạt động can thiệp một chiều để bình ổn giá vàng trên thị trường.
“Do đó, cần hiểu rõ rằng những địa điểm bán vàng miếng SJC của Agribank nói riêng và của bốn ngân hàng thương mại nhà nước nói chung chỉ là điểm cung ứng vàng miếng, chứ không phải địa điểm kinh doanh mua – bán vàng miếng”, bà Phượng nhấn mạnh.
Một chuyên gia trong ngành lý giải không dễ để các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thu mua vàng miếng. Nếu họ mua lại vàng miếng từ dân, ngân hàng sẽ phải đầu tư hẳn một mảng kinh doanh mới, bao gồm hệ thống và nhân sự chuyên về vàng. Đây là bài toán khó với họ, trong bối cảnh nhiều năm qua nhiều ngân hàng gần như không còn thực hiện nghiệp vụ kinh doanh vàng.
Lâu nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vẫn thu mua lại vàng miếng dù khách hàng không có hoá đơn hoặc không mua trực tiếp từ họ. Kể cả miếng vàng hư hỏng bao bì nhưng nếu vàng được kiểm định đạt chất lượng, SJC thu mua theo đúng giá niêm yết, không xảy ra tình trạng “ép giá”.
Tại các đơn vị có giấy phép kinh doanh vàng miếng khác, việc thu mua vàng miếng tuỳ thuộc vào chính sách kinh doanh từng đơn vị. Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp này có hệ thống xác thực được số series cũng như luồng đi của vàng miếng. Bên cạnh đó để kiểm tra chất lượng vàng miếng, ngoài việc đánh giá bằng mắt thường, các đơn vị này cũng có máy móc để kiểm tra.
Người dân sau khi mua vàng từ ngân hàng có thể bán vàng tại bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh vàng nào được cấp phép.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá rất cao tính cầu thị của Chính phủ và đặc biệt của NHNN đã cho phép 4 ngân hàng quốc doanh bán vàng miếng trực tiếp cho người dân.
Đây là biện pháp tích cực để ổn định thị trường vàng, góp phần giúp thị trường vàng không “nhảy múa”.
“Tôi rất hy vọng giá vàng trong nước sẽ được bình ổn, tiệm cận với giá vàng thế giới”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Tuy nhiên, ông Hòa lo lắng về việc 4 ngân hàng thương mại vốn Nhà nước sẽ duy trì được việc này trong bao lâu, thường xuyên, lâu dài hay chỉ trong một giai đoạn nhất định.
“Ngân hàng chỉ bán mà không mua thì làm sao tái tạo, có đủ nguồn để cung cấp thường xuyên cho người dân. Cho nên việc chỉ bán mà không mua là một vấn đề cần đặt câu hỏi”, đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.
Ông Hòa thắc mắc liệu tới một thời điểm nào đó 4 ngân hàng này sẽ không còn vàng để bán. Khi đó, người dân có nhu cầu mua, buộc phải mua ở ngoài, từ đó nhiều khả năng sẽ lại kích thích giá vàng lên cao.
“Đề nghị NHNN phải quan tâm tới vấn đề này. Có bán thì phải có mua, người dân có nhu cầu mua thì mình bán, người dân có nhu cầu bán thì ngân hàng cũng phải mua lại để có nhu cầu tái tạo, để lưu chyển nguồn hàng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Nói rõ hơn về ý kiến này, ông Hòa đặt ví dụ ngân hàng quốc doanh có 1.000 lượng vàng, sau khi bán ra hết liệu có còn nguồn để bán nữa hay không, nếu không thực hiện nghiệp vụ mua vào.
Vì thế, theo ông Hòa, nhà điều hành cần phải xem xét, tính toán hợp lý. Theo ông, ngân hàng nên có mua, có bán phù hợp.
Giavang.net