(GVNET) – Năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 3,63%, nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội năm 2024 tổ chức sáng 6/1, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết CPI năm 2024 cả nước đã đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo bà Hương, kết quả này đến từ điều chỉnh giá của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Đặc biệt, giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư số 21 của Bộ Y tế…
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024 của Tổng Cục Thống kê, CPI bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023.
Tính chung cả năm 2024, CPI bình quân tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm chỉ số CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm.
Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV và năm 2024 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, riêng chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm theo thị trường thế giới.
Chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 1,38% so với tháng trước; tăng 31,07% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2024 tăng 28,64%.
Chỉ số giá đô la Mỹ (USD) tháng 12/2024 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2024 tăng 4,91%.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2024 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trong năm 2024, cả nước có hơn 157,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.547,0 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 1.001,5 nghìn lao động.
Ngoài ra, gần 76,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2024 lên hơn 233,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Bình quân một tháng có gần 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 100,1 nghìn doanh nghiệp; gần 76,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; hơn 21,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có gần 16,5 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Tổng hợp