28 C
Hanoi
27/04/2024
Image default
Tiền ảo Tin mới nhất

Mỹ tịch thu hơn 50.000 Bitcoin liên quan đến “chợ đen” Silk Road

Ngày 7/11, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) thông báo đã tịch thu toàn bộ 50.676 Bitcoin được đánh cắp từ website chợ đen Silk Road cách đây 10 năm. Số tiền này đã được tìm thấy tại nhà nghi phạm James Zhong (32 tuổi) ở bang Georgia.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các nhà chức trách đã thu giữ 50.676 Bitcoin trị giá hơn 3,36 tỷ USD sau khi khám xét nơi ở của Zhong tại thành phố Gainesville, bang Georgia vào ngày 9/11/2021. Đây là vụ tịch thu tài sản tài chính lớn thứ hai của Bộ Tư pháp Mỹ, sau vụ tịch thu 3,6 tỷ USD tiền ảo bị đánh cắp liên quan đến vụ tấn công sàn giao dịch tiền ảo Bitfinex năm 2016, theo công bố của Bộ Tư pháp Mỹ vào đầu năm 2022.

Một phần số Bitcoin được Zhong giấu trong một két sắt chôn dưới đất. Phần còn lại được cất giấu tinh vi bên trong bảng mạch dưới đáy hộp bắp rang và đặt trong phòng tắm, DoJ cho biết.

Các nhà chức trách Mỹ cho biết Zhong đã đánh cắp Bitcoin từ sàn chợ đen Silk Road – nền tảng giao dịch ma túy và các mặt hàng bất hợp pháp khác bằng tiền ảo. Silk Road được lập ra vào năm 2011, nhưng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đóng cửa sàn này vào năm 2013. Còn Ross William Ulbricht, người sáng lập Silk Road, đang thụ án chung thân.

“James Zhong bị buộc tội gian lận tài chính từ 10 năm trước vì đánh cắp hơn 50.000 Bitcoin từ Silk Road. Trong suốt 10 năm qua, tung tích của khối tài sản Bitcoin khổng lồ trị giá hơn 3,3 tỷ USD đã trở thành một bí ẩn không có lời giải”, công tố viên Damian Williams cho biết.

Cơ quan pháp luật Mỹ vẫn không từ bỏ việc truy vết số tài sản bất chấp việc nó được cất giấu rất tinh vi trong két sắt dưới lòng đất hay trong hộp bắp rang, ông khẳng định.

Đặc vụ Tyler Hatcher thuộc Cơ quan Thuế vụ – Điều tra hình sự Mỹ cho biết Zhong đã sử dụng một “kế hoạch tinh vi” để đánh cắp Bitcoin từ sàn giao dịch Silk Road. Anh ta đã tạo 9 tài khoản giả mạo trên Silk Road, bơm cho mỗi tài khoản từ 200-2.000 Bitcoin, thông cáo báo chí vào tháng 9/2012 nêu.

Sau đó, Zhong đã kích hoạt hơn 140 giao dịch liên tiếp nhanh chóng, đánh lừa hệ thống xử lý rút tiền của thị trường để giải phóng khoảng 50.000 Bitcoin vào tài khoản của anh ta. Tiếp đến, tin tặc đã chuyển số Bitcoin đánh cắp được vào nhiều ví khác nhau, nhưng tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của anh ta.

Sau khi phát hiện ra chiêu trò tinh vi này, James Zhong đã bị cáo buộc vì tội lấy cắp số Bitcoin từ chợ đen Silk Road và giấu kín nó suốt 10 năm. Lực lượng cảnh sát đã truy ra tung tích, sau đó đột kích vào ngôi nhà của Zhong tại bang Georgia và tịch thu thành công toàn bộ số Bitcoin bị giấu trong nhà.

Vào tháng 3/2022, James Zhong quyết định đầu thú và nhận tội lừa đảo trên Silk Road trong phiên tòa ngày 4/11. DoJ cho biết Zhong có thể sẽ chịu mức án tù lên đến 20 năm và sẽ chính thức kết tội vào ngày 22/2/2023.

Cáo trạng cho thấy Zhong là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của JZ Capital LLC – một công ty do anh ta thành lập tại bang Georgia vào năm 2014. Theo hồ sơ trên LinkedIn, công việc của Zhong tại JZ Capital LLC chủ yếu là “đầu tư và đầu tư mạo hiểm”. Hồ sơ cũng cho biết Zhong là một “nhà đầu tư Bitcoin lớn có kiến thức sâu rộng về hoạt động của hệ thống” và có kinh nghiệm phát triển phần mềm bằng các ngôn ngữ lập trình máy tính.

Bộ Tư pháp Mỹ không công bố cụ thể quy trình bắt giữ số Bitcoin này. Nhưng theo The Verge, một trong những nguyên nhân khiến Zhong bại lộ là anh đã từng báo cảnh sát vì gặp trộm vào năm 2019, trong đó, vật dụng bị mất có “một lượng lớn Bitcoin”.

Trước khi bị bắt, Zhong là người có cuộc sống đáng mơ ước. Theo những hình ảnh trên mạng xã hội, Zhong thường xuyên đi chơi trên du thuyền, sử dụng dịch vụ hàng không cao cấp nhất và luôn ngồi hàng ghế VIP khi xem những trận bóng đá đỉnh cao.

Đến nay, các nền tảng tiền điện tử vẫn là “miếng mồi ngon” của tội phạm mạng. Tháng 10/2022, Binance, sàn tiền điện tử lớn nhất thế giới theo khối lượng giao dịch đã bị tin tặc xâm nhập đánh cắp hơn 570 triệu USD. Công ty này cho biết một lỗi trong hợp đồng thông minh đã cho phép hacker khai thác cầu nối xuyên chuỗi và rút tiền điện tử gốc trên nền tảng.

Trước đó, tháng 3/2022, một hacker khác phát hiện lỗ hổng trên nền tảng tài chính phi tập trung Ronin Network và kiếm được 600 triệu USD.

Báo cáo của Chainalysis cho thấy, tính đến tháng 7/2022, đã có khoảng 1,9 tỷ USD tiền mã hoá bị đánh cắp, cao hơn con số 1,2 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....