25 C
Hanoi
08/09/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Mỹ ghi nhận GDP quý II tăng 2,8%

(GVNET) – Ngày 25/7, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2024 tăng 2,8%, cao hơn mức dự báo 2%, và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,4% trong quý I.

Chi tiêu tiêu dùng là động lực quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế trong ba tháng vừa qua. Bên cạnh đó, đầu tư vào hàng tồn kho và đầu tư cố định của doanh nghiệp tư nhân là hai động lực lớn khác.

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo chính trong báo cáo về hoạt động của người tiêu dùng, tăng 2,3% trong quý II, cao hơn mức 1,5% trong quý đầu năm. Cả chi tiêu cho dịch vụ và hàng hoá đều tăng mạnh.

Trong khi đó, nhập khẩu đi lên 6,9% trong quý II, đánh dấu mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ giai đoạn ba tháng đầu năm 2022.

Cũng theo báo cáo, nền kinh tế Mỹ ghi nhận một số tin tốt về lạm phát. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – tăng 2,6% trong quý II, giảm so với mức 3,4% trong quý I.

Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi tăng 2,9%. Kết quả này cũng đi xuống đáng kể so với mức 3,7% ghi nhận vào quý I.

Một thước đo quan trọng khác mà Fed coi là chỉ báo tốt về nhu cầu cơ bản của nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ 2,6% trong quý II, tương đương quý trước.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tiếp tục đi xuống. Từ mức 3,8% của quý I, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã lùi xuống còn 3,5% trong quý II.

Nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động tốt hơn các nền kinh tế toàn cầu khác bất chấp việc Fed tăng lãi suất mạnh trong các năm 2022 và 2023.

Thị trường lao động vững mạnh ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi qua, ở mức 4,1%.

Trong năm qua, Fed đã duy trì lãi suất ở mức 5,25-5,50%.

Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc, triển vọng cho nửa cuối năm vẫn còn mơ hồ. Thị trường lao động đang chậm lại, sẽ ảnh hưởng đến mức tăng lương. Tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch COVID-19.

Các nhà kinh tế ước tính phần lớn các đợt tăng lãi suất của Fed vẫn chưa tạo tác động đáng kể.

Ngoài ra, còn xuất hiện mối lo ngại về những mức thuế mới có thể khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo không có suy thoái kinh tế và chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng trong năm nay.

Tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....