25 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Mỹ: Đảng Dân chủ cam kết ngăn chặn kịch bản đóng cửa chính phủ liên bang

Ngày 23/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ cam kết sẽ ngăn chặn xảy ra kịch bản đóng cửa chính phủ.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cùng ngày cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa chính phủ trong bối cảnh ngân sách hiện tại sẽ cạn kiệt vào ngày 30/9 (kết thúc tài khóa 2021). 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nghị sĩ có thời hạn đến ngày 30/9 để “bật đèn xanh” cho một gói tài trợ nhằm cho phép các cơ quan của chính phủ tiếp tục hoạt động mà không phải đóng cửa, điều thường dẫn đến việc hàng trăm nghìn người lao động tạm thời nghỉ việc trong khi các công viên, bảo tàng và dịch vụ liên bang khác đóng cửa.

Ngày 21/9, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật được gọi là “Nghị quyết tiếp tục” (CR) nhằm cho phép các cơ quan liên bang duy trì hoạt động tới ngày 3/12 – động thái nhận được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, điểm gây tranh cãi ở đây là các lãnh đạo đảng Dân chủ đính kèm dự luật này với biện pháp đình chỉ việc áp mức trần nợ công – điều mà đảng Cộng hòa phản đối. Bất chấp sự phản đối của đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện Pelosi bày tỏ tin tưởng dự luật CR sẽ “vượt ải” cả hai viện quốc hội vào ngày 30/9. 

Mức trần nợ là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý hiện có, trong đó có an sinh xã hội và phúc lợi y tế, cùng nhiều khoản khác. Các nhà kinh tế ước tính rằng việc không nâng trần nợ công sẽ xóa sổ 6 triệu việc làm và tài sản hộ gia đình trị giá 15.000 tỷ USD, gây tổn hại tới nền kinh tế và dẫn tới nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Nếu được thông qua, kế hoạch của đảng Dân chủ sẽ đình chỉ việc áp dụng mức trần nợ cho tới tháng 12/2022, sau kỳ bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, cũng như duy trì hoạt động của chính phủ cho đến cuối năm, trong khi các nghị sĩ tiếp tục tranh luận về 2 dự luật chi tiêu lớn, gồm 1 gói cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD trong 8 năm và 1 gói chương trình xã hội trị giá 3.500 tỷ USD trong 10 năm.

Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định nếu không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, dự luật CR sẽ khó có thể nhận được 60 phiếu bầu cần thiết để được thông qua tại Thượng viện Mỹ. Hiện đảng Dân chủ chiếm đa số trong lưỡng viện quốc hội Mỹ, song tỷ lệ chênh lệch thấp tại Thượng viện. Điều này nghĩa là đảng Dân chủ vẫn cần sự ủng hộ của một số thượng nghị sĩ Cộng hòa để thông qua kế hoạch trên.

Nợ công và thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng vọt trong đại dịch Covid-19, sau khi Washington thông qua 3 dự luật chi tiêu lớn nhằm giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế. Như một phần trong thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng, được ban hành vào tháng 8/2019, quốc hội Mỹ đã đình chỉ việc áp dụng mức trần nợ công đến hết ngày 31/7. Sau khi mức trần nợ được khôi phục vào ngày 1/8, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng “các biện pháp bất thường” để tiếp tục cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ.

Theo NDH

Tin liên quan

Đang tải....