18.6 C
Hanoi
18/01/2025
GiaVang.Net
Image default
Mục khác Tin mới nhất

Mỹ cảnh báo: Trung Quốc sẽ vượt qua ‘lằn ranh đỏ’ nếu cung cấp vũ khí sát thương cho Nga

Trong cuộc họp gỡ bên lề Hội nghị An ninh Munich hôm 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đã trao đổi với người đồng cấp Vương Nghị rằng nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới mối quan hệ Washington – Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ “rất lo ngại” khi Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga.

“Mối lo ngại của chúng tôi bây giờ, dựa trên thông tin mà chúng tôi có, là họ (Trung Quốc) đang xem xét cung cấp hỗ trợ sát thương cho Nga“, Ngoại trưởng Mỹ trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS. Ông đồng thời cảnh báo Bắc Kinh rằng mọi động thái cung cấp vũ khí nhằm hỗ trợ Moskva trên chiến trường Ukraine đều sẽ “gây ra vấn đề nghiêm trọng”.

Khi được hỏi những hỗ trợ sát thương mà ông đề cập đến là gì, Ngoại trưởng Blinken cho hay chúng “gồm mọi thứ, từ đạn dược đến vũ khí”.

Ông nhấn mạnh: “Nếu Trung Quốc cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nga hoặc giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với hậu quả”.

Ông Blinken nói rằng Trung Quốc vẫn chưa vượt quá giới hạn cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng ông sẽ sớm đưa ra bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc nghiêm túc việc cung cấp cho Nga các trang thiết bị, bao gồm vũ khí.

Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Antony Blinken

Tại cuộc hội đàm ở Munich, ông Blinken cũng yêu cầu Trung Quốc “không tái diễn” việc đưa khí cầu vào không phận Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ gọi việc khí cầu Trung Quốc vào không phận Mỹ gần đây là hành động vi phạm chủ quyền của Mỹ cũng như các quy định của luật pháp quốc tế. Đáp lại, ông Vương Nghị cáo buộc Mỹ đã gây tổn hại quan hệ giữa hai nước vì những phản ứng thái quá sau vụ khí cầu.

Cuộc đối thoại giữa ông Blinken và ông Vương tại Munich là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức hàng dầu của Washington và Bắc Kinh kể từ khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu, bị nghi là thiết bị do thám của Trung Quốc hồi đầu tháng 2.

Ông Blinken nói với CBS: “Tôi đã nói rất rõ với ông Vương rằng việc Trung Quốc gửi khinh khí cầu do thám tới Mỹ là vi phạm chủ quyền của chúng tôi, vi phạm luật phát quốc tế, là không thể chấp nhận và không bao giờ được xảy ra nữa”.

Ông Blinken cũng cho biết: “Có thể nói rằng không có lời xin lỗi nào”.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin rằng chương trình khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc đã xâm phạm không phận của hơn 40 quốc gia trên 5 châu lục. Mỹ nghi ngờ khinh khí cầu đã bay qua Mỹ và Canada trong một tuần được dùng để do thám. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc trên.

Ông Blinken nói thêm rằng Hoa Kỳ “không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Liên quan tới tuyên bố của Mỹ về cuộc xung đột Nga – Ukraine, ông Vương Nghị nhấn mạnh: “Là một cường quốc, Mỹ nên đóng góp một giải pháp chính trị cho khủng hoảng, không đổ thêm dầu vào lửa và tìm kiếm cơ hội để kiếm lợi từ đó”.

Theo ông Vương, Trung Quốc đã tôn trọng lập trường mang tính xây dựng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và ủng hộ quá trình đàm phán. Ông cũng tuyên bố Bắc Kinh “sẽ không bao giờ dung thứ cho các chỉ thị của Mỹ hoặc thậm chí là các mối đe dọa nhằm gây áp lực lên quan hệ Nga – Trung”.

Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ đưa ra lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhà ngoại giao Trung Quốc không nêu bất kỳ chi tiết cụ thể nào về kế hoạch giải quyết hòa bình cuộc xung đột Nga – Ukraine, nhưng nói rằng “toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền” của các bên liên quan cần được tôn trọng.

Theo ông Vương, Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hòa bình, vì Bắc Kinh không phải bên liên quan trực tiếp tới xung đột. Ông khẳng định Trung Quốc không thể “khoanh tay đứng nhìn” khi xung đột nổ ra.

Trung Quốc đã từ chối tham gia các cơ chế trừng phạt do phương Tây dẫn đầu nhằm chống lại Nga, trong khi vẫn tăng cường quan hệ kinh tế với Moskva trong năm qua.

Trung Quốc và Nga khẳng định mối quan hệ đối tác không giới hạn vào tháng 2/2022, ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bắc Kinh từ đó đã tìm cách giữ vị trí trung lập về cuộc xung đột này, đồng thời tăng cường quan hệ với Moskva, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....