23 C
Hanoi
22/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin mới nhất Vàng

Lợi – hại việc đánh thuế giao dịch vàng

(GVNET) – Theo chuyên gia, việc đánh thuế giao dịch vàng là cần thiết bởi việc kiếm lời từ giao dịch vàng cũng giống như các loại hình đầu tư, kinh doanh khác.

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kéo giảm giá vàng SJC, người dân từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đổ xô đến các ngân hàng bán vàng miếng SJC để mua vàng, với hy vọng tận dụng mức giá bình ổn. Mục đích mua vàng của mọi người khác nhau, từ tích trữ, trải nghiệm cho đến đầu cơ kiếm lời.

Hiện người mua rồi bán vàng không chịu thuế. Nếu coi vàng là hàng hóa và kênh đầu tư thì vàng có lợi thế hơn hẳn các kênh đầu tư khác. Đầu tư bất động sản khi bán nhà, căn hộ phải nộp thuế. Đầu tư chứng khoán khi bán cổ phiếu cũng phải nộp thuế. Nhưng đầu tư vàng thì không.

Trước tình trạng này, đã nổi lên các ý kiến cho rằng nên áp thuế đối với giao dịch vàng nhằm góp phần ổn định thị trường, giảm bớt hoạt động đầu cơ và bảo vệ những người mua vàng với mục đích tích sản hay đầu tư lâu dài.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh người dân đi mua vàng để đầu cơ và tích trữ, đến một lúc nào đó, Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế như một công cụ để không chỉ thu nhập mà còn là điều tiết hành vi của người tiêu dùng.

GS-TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với giao dịch vàng.

Theo bà Mùi, việc áp dụng các chính sách thuế với thị trường vàng sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những người mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp này cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, để quản lý thị trường vàng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế. Nếu Nhà nước không khuyến khích thì đánh thuế cao, ngược lại thì giảm thuế. Chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc đánh thuế giao dịch vàng là cần thiết bởi việc kiếm lời từ giao dịch vàng cũng giống như các loại hình đầu tư, kinh doanh khác.

Ông Hiếu đề xuất hai phương án đánh thuế là dựa theo doanh thu hoặc lợi nhuận từ việc giao dịch vàng.

Đối với hoạt động mua bán vàng có lãi, xác định được thông qua hoá đơn, chứng từ, người dân sẽ đóng thuế dựa trên lợi nhuận.

Đối với trường hợp người dân đã mua vàng từ rất lâu và tại thời điểm mua không có hoá đơn; hoặc trường hợp được tặng, mức thuế có thế được xác định trên doanh thu (tức tổng số tiền thu về từ việc bán vàng).

Mức thuế áp dụng cho lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều so với thuế trên doanh thu. Việc đánh thuế này áp dụng cho toàn bộ loại vàng, không phân biệt vàng miếng, vàng nhẫn hay vàng trang sức.

Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhà nước nên đánh thuế với giao dịch vàng, nhất là hoạt động lướt sóng, đầu cơ.

Theo ông với những người chỉ mua số lượng ít thì không nên đánh thuế vì đây là hoạt động tích sản, giữ lâu dài để thành khoản lớn. Tuy nhiên, với những người mua trong ngắn hạn, chỉ vài ngày bán thì đây được xem là hoạt động kinh doanh và cần phải áp thuế.

Nếu muốn áp thuế thì cần đẩy mạnh việc xuất hoá đơn điện tử mua – bán vàng. Điều này còn góp phần tăng tính minh bạch cho thị trường”, ông Thịnh nhận định.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng rất khó để xác định thế nào là mua vàng để đầu cơ và thế nào là mua vàng tích luỹ. Do đó, theo ông việc đánh thuế nên áp dụng cho mọi giao dịch vàng.

Ý tưởng đánh thuế giao dịch vàng được nhiều chuyên gia ủng hộ, tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng giá vàng sẽ tăng lên, đi ngược với nỗ lực của NHNN trong việc co hẹp với khoảng cách với vàng thế giới trong thời gian qua.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Việc đánh thuế có thể khiến giá vàng tăng lên. Những người kinh doanh vàng sẽ phải trả thuế và họ sẽ tăng biên độ lợi nhuận lên và giá vàng tăng theo. Điều này có thể không khớp với chủ trương của Chính phủ là kéo giá vàng xuống gần hơn với thế giới. Tôi cho rằng việc Chính phủ kéo giá vàng xuống ở thời điểm hiện tại chỉ là biện pháp tạm thời. Trong tương lai, nên để cung – cầu thị trường quyết định giá vàng”.

Cũng có ý kiến cho rằng việc áp thuế đối với một loại tài sản mỗi khi tăng giá mạnh không phải biện pháp hữu hiệu. Thậm chí điều này có thể có tác dụng ngược khi dòng tiền đầu cơ có thể chạy sang thị trường khác khó kiểm soát hơn, chẳng hạn như tiền số.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, lúc này vai trò quản lý nhà nước càng phải được đề cao hơn: “Nếu việc quản lý tài chính tốt, sẽ không có chuyện tiền sẽ chảy sang Bitcoin hay các đồng tiền số khác”.

Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 18/6, trả lời phóng viên về việc đánh thuế đối với giao dịch vàng để hạn chế hiện tượng tích trữ vàng của người dân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ghi nhận ý kiến này và cho biết Bộ Tài chính sẽ có nghiên cứu, đánh giá cụ thể một cách toàn diện vì việc bổ sung thêm sắc thuế cần phải cân nhắc các yếu tố chứ không chỉ ở trên khía cạnh giao dịch vàng gia tăng trong thời gian qua.

Tại Pháp, khi bán vàng chủ sở hữu sẽ nộp thuế 11% trên tổng số tiền bán hoặc nộp 36,2% trên mức lãi. Người có vàng sẽ được miễn thuế khi bán nếu nắm giữ từ 22 năm trở lên.

Hiện NHNN không khuyến khích người dân giữ vàng nhưng cũng không cấm. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chỉ rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, vàng cũng là câu chuyện của quốc tế không chỉ riêng Việt Nam. Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có nhiều giải pháp để ổn định thị trường vàng như đấu thầu vàng (từng triển khai năm 2013).

NHNN đã triển khai biện pháp can thiệp mới là từ 3/6 là bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý để các đơn vị này bán vàng cho người dân. Qua gần 3 tuần triển khai, bước đầu chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đã được thu hẹp.

NHNN cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mục tiêu là chống vàng hóa nền kinh tế, không để tác động xấu đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán…

Tuy nhiên, để thị trường vàng ổn định, về lâu dài, cùng với việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, bổ sung công cụ thuế đối với hoạt động mua bán vàng.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....