Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cảnh báo việc Nga không nên mua vàng dự trữ. Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất của Nga mở 300.000 tài khoản cho người dân giao dịch vàng.
Theo thông tin từ Kitco, đầu năm 2022, các quốc gia bao gồm EU, Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ và Nhật Bản đã cấm nhập khẩu vàng của Nga vì liên quan đến xung đột Nga – Ukraine. Trước câu hỏi về việc liệu ngân hàng trung ương có thể hỗ trợ ngành khai thác vàng của nước này bằng cách mua hết kim loại quý chưa bán được hay không, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Aleksey Zabotkin cho rằng, Nga mua thêm vàng dự trữ thời điểm này là phản tác dụng vì làm tăng nguồn cung tiền ra thị trường, có thể dẫn đến lạm phát.
Zabotkin cho hay, Bộ Tài chính có quyền quyết định việc chi bao nhiêu cho dự trữ vàng bổ sung và khối lượng thế nào là hợp lý. Chính phủ cũng có thể xem xét hỗ trợ lĩnh vực này trong khuôn khổ thực hiện chính sách công nghiệp, nhưng hỗ trợ mục tiêu cho các lĩnh vực kinh tế không nằm trong nhiệm vụ của ngân hàng trung ương.
Tháng 9, lạm phát hàng năm của Nga đã giảm từ mức 14,3% xuống 13,68% của tháng 8, theo dữ liệu từ dịch vụ thống kê Rosstat. Các con số vẫn còn cao hơn đáng kể so với mục tiêu lạm phát 4% của Ngân hàng Trung ương Nga. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất xuống 7,5%.
Trong khi đó, người Nga nắm lấy kim loại quý như một biện pháp bảo vệ chống lại rủi ro và lạm phát.
Đầu tháng 10, truyền thông Nga đưa tin, ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga – Sberbank – đã bán 100 tấn kim loại quý trong 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, khách hàng của Sberbank đã mở 300.000 tài khoản kim loại mới chưa phân bổ từ tháng 1 đến tháng 9. Theo ngân hàng này, gần 7 tấn trong số đó là vàng, 89 tấn bạc, một tấn bạch kim và palladium. Về vàng, riêng tại Sberbank, người Nga đã chi khoảng 550 triệu USD.
Tài khoản kim loại quý chưa được phân bổ có nghĩa ngân hàng vẫn là chủ sở hữu của kim loại quý đã mua, tài khoản của khách hàng chỉ được ghi nhận. Sberbank phát triển loại hình này để đẩy nhanh quá trình mở tài khoản và bán kim loại quý.
Sberbank không phải là ngân hàng duy nhất chứng kiến xu hướng này. Các ngân hàng địa phương khác cũng báo cáo nhu cầu vàng tăng vọt. Có thời điểm, Ngân hàng trung ương Nga thậm chí phải tạm dừng việc mua vàng từ các ngân hàng địa phương, nhường lại cho các nhà đầu tư hoặc người tiêu dùng.
Vào tháng 3, thời điểm đồng rúp của Nga giảm mạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật loại bỏ 20% thuế giá trị gia tăng đối với việc mua kim loại. Động thái này nhằm khuyến khích việc mua các kim loại quý thay vì ngoại tệ, như USD và euro.
Theo Vietnamnet