Theo dự báo của Công ty chứng khoán MB (MBS), sang năm 2019, áp lực lên tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ giảm khi quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của FED đã đến giai đoạn cuối và kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ suy giảm mức độ tăng trưởng.
Công ty chứng khoán MB (MBS) vừa có báo cáo cập nhật “Toàn cảnh kinh tế vĩ mô 2018 và dự báo 2019” trong đó đi sâu vào phân tích chính sách tài khoá và tiền tệ. Thông điệp chính được đưa ra: sang năm 2019, tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định quanh mức 6,8%; cung tiền tiếp tục kiểm soát chặt, tỷ giá biến động không quá 1,5-2% và chi thường xuyên vẫn là thách thức!
Toàn cảnh
Theo MBS, tăng trưởng GDP Việt Nam tích cực trong năm 2018 với mức tăng GDP đạt 7.08%, cao hơn so với mức tăng 6.81% của năm 2017. Nhiều khả năng, tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì mức độ ổn định quanh mức 6,8%.
CPI 2018 tăng 3.54% so với cùng kỳ và tăng 2.98% so với đầu năm. Tuy vậy, lạm phát đã không còn ở mức thấp, cộng thêm tỷ giá chịu sức ép từ tình trạng đồng USD gia tăng trên thị trường thế giới khiến dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ của NHNN là khá thấp. NHNN đưa ra thông điệp kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý cho thấy quan điểm điều hành thận trọng trong năm 2018 và năm 2019.
Tỷ giá USD/VND tăng 2,6% so với đầu năm do áp lực tăng giá của USD trên thị trường tiền tệ thế giới song nhìn chung vẫn được duy trì ổn định trong năm 2018 tháng đầu năm nhờ nguồn cung USD khá dồi dào khiến dư địa hỗ trợ tỉ giá của NHNN tương đối cao.
Sang năm 2019, áp lực lên tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ giảm khi quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của FED đã đến giai đoạn cuối và kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ suy giảm mức độ tăng trưởng. Trong khi đó, nguồn ngoại tệ trong nước hiện tại khá dồi dào nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài, xuất siêu khá và các thương vụ bán vốn nhà nước. Do đó, nhiều khả năng tỷ giá VND/USD sẽ chỉ biến động nhẹ trong năm 2019 ở mức quanh 2%.
Vốn FDI giải ngân trong năm 2018 ước đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9.1% so với năm 2017; các nhà đầu tư chuyển từ mua ròng trái phiếu Chính phủ trong năm 2017 sang bán ròng năm 2018 với mức bán ròng nhẹ khoảng 900 tỷ VNĐ. Cán cân thanh toán thặng dư và dự trữ ngoại hối vẫn được duy trì ở mức cao là 63, 5 tỷ VNĐ.Việt Nam đã xuất siêu mạnh trong năm 2018 với mức xuất siêu là 7.2 tỷ USD.
2019: Kiểm soát chặt cung tiền
Trong năm 2018, NHNN đã ra nhiều văn bản điều hành chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt tốc độ và chất lượng tín dụng hệ thống. Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018 của NHNN trong đó không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trừ trường hợp đặc biệt và tiến hành kiểm tra các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng đã cho thấy quan điểm điều hành rất thận trọng của NHNN.
Năm 2019, MBS cho rằng: định hướng chính sách tiền tệ của NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục mang tính thận trọng như trong nửa cuối năm 2018. Thông điệp xuyên suốt được đưa ra là ổn định mặt bằng lãi suất thay vì hạ mặt bằng lãi suất.Tăng trưởng tín dụng được định hướng ở mức dưới 15% thấp hơn năm 2017 và 2018.Tăng trưởng cung tiền được định hướng ở mức 14 – 15% thấp hơn năm 2017 và 2018.
Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là kể từ 1/1/2019 trở đi sẽ giảm xuống còn 40%.Quy định này cũng sẽ khiến áp lực huy động của các NHTM tăng lên và làm giảm khả năng tăng trưởng tín dụng của các NHTM.(Thông tư số 15/2018/TT-NHNN trong đó quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp).
Hoạt động cho vay bằng ngoại tệ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ song vẫn mở cho một số đối tượng cụ thể.Cho vay ngoại tệ ngắn hạn để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cho nhu cầu trong nước được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.Cho vay ngoại tệ trung, dài hạn để thanh toán nhập khẩu, thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.Cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán chi phí trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu thì không bị giới hạn về thời gian.
Về tỷ giá, định hướng của NHNN là sẽ điều hành tỷ giá theo sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Tỷ giá sẽ không được neo cứng mà diễn biến linh hoạt hàng ngày và sẽ không có các diễn biến tăng giảm sốc như trong quá khứ.Với áp lực gia tăng của USD ở mức vừa phải, dự báo tỷ giá VND/USD sẽ tăng khoảng 1.5 -2% trong năm 2019.
Áp lực chi thường xuyên
Bức tranh tài khóa của Việt Nam đã bớt căng thẳng trong năm 2017 và 2018 khi thâm hụt ngân sách/GDP giảm mạnh nhờ nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và mức tăng trưởng GDP khả quan. Tuy nhiên các nguồn thu từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không phải là nguồn thu ổn định do đó về dài hạn tình trạng căng thẳng tài khoá của Việt Nam vẫn còn. MBS dự báo, áp lực ngân sách sẽ trở lại vào năm 2020 và 2021.
Thu ngân sách Nhà nước 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; chi ngân sách hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách 204.000 tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD), bằng 3,67% GDP, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội giao. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách tính theo phương pháp mới (không tính chi trả nợ gốc) sẽ khó phản ánh được thực trạng căng thẳng ngân sách. Chi trả nợ gốc trong năm 2018 dự kiến khoảng 147 nghìn tỷ VNĐ vẫn sẽ gây áp lực lên chính sách tài khoá của Việt Nam.
Dự kiến trong năm 2019 mức nợ công/GDP sẽ giảm nhẹ và đạt mức 61.4% đạt mức an toàn so với mức trần cho phép của Quốc Hội.
Đánh giá chung về chính sách tài khóa của Việt Nam, MBS khẳng định: việc phải dành phần lớn tiền ngân sách để trả nợ và chi thường xuyên sẽ tạo ra một rủi ro lớn cho việc đầu tư, hạn chế nguồn tiền đầu tư phát triển kinh tế. Nếu nghĩa vụ trả nợ nhiều sẽ gây rủi ro cho những khoản chi tạo ra năng suất lao động, giảm chi vào giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác. Do đó, ổn định chi thường xuyên sẽ là nhiệm vụ thách thức của Chính phủ thời gian tới.
Theo TP