(GVNET) – Bộ Thương mại Mỹ hôm 25/4 thông báo GDP quý I nước này tăng 1,6% (đã hiệu chỉnh theo cơ sở năm). Tốc độ này bằng nửa quý cuối năm ngoái, thấp hơn dự báo và chậm nhất kể từ giữa năm 2022.
GDP của Mỹ tăng trưởng 1,6% trong quý I/2024, thấp hơn nhiều mức dự báo 2,4% trước đó và là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý II/2022. Tốc độ tăng trưởng quý IV/2023 là 3,4%.
Chỉ số giá PCE lõi loại trừ thực phẩm và năng lượng tăng vọt 3,7%, sau khi tăng 2,0% trong quý trước đó. Chỉ số PCE lõi là một trong những thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Lạm phát tăng do chi phí cho các dịch vụ như vận tải, bảo hiểm và nhà ở tăng, bù đắp cho sự giảm giá của hàng hóa như ô tô và phụ tùng xe.
Báo cáo thất nghiệp hằng tuần của Bộ Lao động cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 5.000, xuống còn mức điều chỉnh theo mùa là 207.000 trong tuần kết thúc ngày 20/4.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp giúp tiền lương duy trì ở mức cao, hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế.
Chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 2,5%, chậm lại so với mức tăng trưởng 3,3% trong quý IV/2023. Chi tiêu được thúc đẩy bởi các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, bù đắp cho sự sụt giảm trong lĩnh vực hàng hóa, bao gồm ô tô và xăng dầu.
Tuy nhiên, chi tiêu có thể sẽ giảm trong năm nay, do các hộ gia đình có thu nhập thấp đã cạn tiền tiết kiệm sau đại dịch Covid-19 và phần lớn phải trang trải chi tiêu với nợ. Dữ liệu và nhận định gần đây của các nhà điều hành ngân hàng cho thấy những người đi vay có thu nhập thấp đang gặp khó trong việc thanh toán khoản vay.
Trong khi đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp đã giảm xuống, tăng ở mức 35,4 tỷ USD, sau khi tăng 54,9 tỷ USD trong quý trước đó.
Nhà kinh tế học tại LPL Financial – Jeffrey Roach, cho rằng nền kinh tế tiếp tục chậm lại trong các quý tới, khi làn sóng chi tiêu sắp kết thúc. Tỷ lệ tiết kiệm đang giảm khi lạm phát dai dẳng gây thêm sức ép lên người tiêu dùng.
“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong năm nay khi nhu cầu đi xuống, nhưng mục tiêu 2% vẫn xa vời”, Jeffrey Roach nhận định.
Dù vậy, thị trường lao động vững mạnh là bệ đỡ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhà ở cũng có tín hiệu tích cực. Đầu tư vào lĩnh vực này tăng 13,9% trong quý I – cao nhất kể từ cuối năm 2020. Nguyên nhân là giá nhà và hoạt động xây nhà tăng, dù lãi suất cho vay vẫn cao.
“Đừng đánh giá thấp nền kinh tế Mỹ“, Shannon Grein – nhà kinh tế học tại Wells Fargo kết luận.
Giavang.net