Hôm qua 23/4 theo giờ địa phương, dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của quốc gia này đã tăng thêm 4,4 triệu trong tuần trước. Như vậy, tổng số lao động xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tương đương với khoảng 16% lực lượng lao động hiện tại.
Theo đó, chỉ trong 5 tuần, kinh tế Mỹ đã mất toàn bộ số lượng việc làm đã tạo ra trong 11 năm qua, khi ghi nhận tổng cộng 26,4 triệu đơn trợ cấp thất nghiệp. Con số này đã vượt qua mức 22,332 triệu việc làm được tạo ra trong lĩnh vực phi nông nghiệp kể từ tháng 11/2009, khi kinh tế Mỹ bắt đầu tạo ra thêm cơ hội việc làm sau Đại Suy thoái.
Đây có thể coi là diễn biến tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng trong những năm 1930 của thế kỷ trước.
Nhà kinh tế trưởng Joseph Brusuelas thuộc Ngân hàng miền Tây ở San Francisco nhận định: “Nền kinh tế Mỹ đang ‘chảy máu’ việc làm với tốc độ và quy mô chưa từng được ghi nhận trước đây. Nó có thể so sánh như một thảm họa tự nhiên mang tầm quy mô quốc gia.”
Mặc dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng đầu vẫn ở mức rất cao, song số liệu của tuần trước đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp, làm dấy lên hy vọng tình hình tồi tệ nhất có thể đã qua. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng đầu dường như đã đạt đỉnh ở mức kỷ lục 6,8 triệu việc làm trong tuần kết thúc vào ngày 28/3 vừa qua.
Dù số đơn trợ cấp thất nghiệp ở tuần kết thúc vào ngày 18/4 giảm so với trước đó, nhưng tổng số người đang nhận bảo hiểm thất nghiệm đã tăng thêm 4,1 triệu lên mức kỷ lục là 16 triệu. Theo đó, mức trung bình trong 4 tuần đã tăng lên 5,8 triệu đơn, tương đương cao hơn 280.000 so với 4 tuần trước.
Xét trên quy mô từng bang, thị trường lao động đang có diễn biến xuôi chiều với tình hình dịch bệnh. Tại một số bang như Florida, số lao động nộp đơn xin trợ cấp tăng gấp đôi trong 2 tuần liên tiếp, trong khi tại New York, cùng với chuyển biến tích cực của dịch bệnh, số người xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm một nửa so với tuần trước đó.
Giavang.net tổng hợp