Các nhà đầu tư đầu tư có nhiều lý do cần thận trọng tháng 8. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang đang là tâm điểm quan tâm của toàn cầu, nhưng cũng có những mối đe dọa khác “cộng sinh” với thương chiến, sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều vào cuối quý III năm nay.
Brexit không thỏa thuận
Ngày 31/10 – thời hạn mà Anh cần ký kết thỏa thuận rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang đến gần và nguy cơ Anh phải rời khởi EU (Brexit) mà không có bất cứ thoả thuận nào ngày càng cao.
Phát biểu với báo giới trên đường tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Biarritz (Pháp), tân Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Tôi không muốn một Brexit không thỏa thuận. Tôi nói với bạn bè ở EU rằng, nếu họ không muốn Brexit không thỏa thuận xảy ra thì họ phải hủy bỏ điều khoản “chốt chặn” trong thỏa thuận”.
Theo giới phân tích, rời khỏi EU mà không có thỏa thuận có thể dẫn đến một cuộc suy thoái cho nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới.
Nền kinh tế EU, vốn đã “bối rối” bởi sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp toàn cầu, cũng có thể phải đối mặt với những hậu quả bất lợi nếu Anh ra đi mà không có thỏa thuận.
Tranh chấp thương mại giữa EU và Mỹ
Một mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn đối với các nền kinh tế châu Âu và toàn cầu là khả năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU.
Vào ngày 15/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, dẫn đến việc Mỹ có kế hoạch tăng thuế 25% lên ô tô nhập khẩu từ EU và Nhật Bản. Nhà Trắng đặt ra thời hạn 180 ngày để đàm phán thỏa thuận về xe hơi nhập khẩu với Nhật Bản và EU.
Mỹ đầu năm ngoái đã áp thuế nhập khẩu với nhôm (10%) và thép (25%) nhập khẩu từ EU. Việc này khiến EU đáp trả bằng việc áp thuế 25% với 2,8 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Bên cạnh đó, hai bên vẫn còn bất đồng quanh vấn đề Airbus và Boeing.
Mặc dù thực tế là xung đột thương mại giữa EU và Mỹ còn khá thấp, nhưng nó có thể có tác động nghiêm trọng hơn nhiều do mức độ hội nhập cao của các nền kinh tế phương Tây.
Biểu tình ở Hồng Kông
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), các cuộc biểu tình chính trị diễn ra liên tục trong hai tháng nay và chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Tình hình căng thẳng đã khiến chỉ số Hang Seng giảm 14% kể từ tháng 5. Các nhà đầu tư đang lo lắng về sự bất ổn ở Hồng Kông, một trong những trung tâm tài chính toàn cầu.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng bày tỏ lo ngại, tình hình hiện tại sẽ ảnh hưởng đến các nước phương Tây.
Thâm hụt ngân sách của Ý
Cuối năm 2018, Ý đã có thể tránh các lệnh trừng phạt của Brussels nhờ kế hoạch điều chỉnh thâm hụt ngân sách xuống mức chấp nhận được vào năm 2019.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Âu đang nhanh chóng tiến tới một cuộc xung đột với Ủy ban châu Âu (EC) vào năm 2020, khi thâm hụt ngân sách của nước này sẽ tăng lên chiếm 3,5% GDP, cao hơn nhiều so với mức 3% cho phép theo quy định của EC.
Xung đột Mỹ – Iran
Cuộc đụng độ giữa Mỹ và Iran đang bị phớt lờ bởi bối cảnh giá dầu và điều kiện thị trường tài chính trong năm nay, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Người ta cũng không chú ý lắm đến việc hai bên liên tục cáo buộc và công kích nhau sau những vụ bắn hạ UAV (máy bay không người lái) ở eo biển Hormuz, khu vực cực kỳ quan trọng đối với thị trường dầu mỏ, ngăn cách Vịnh Ba Tư và Ô-man.
Năm ngoái, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm cắt đứt nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, Tehran đã cố gắng thuyết phục các nước châu Âu giữ cam kết giúp họ thoát khỏi khó khăn về kinh tế nhưng EU đã không thể xây dựng được cơ chế thương mại đặc biệt với Iran.
Sau những “sự cố”, Iran đe dọa sẽ ngăn chặn hoàn toàn Vùng Vịnh, nơi kiểm soát 1/3 tổng số lượng dầu mỏ thương mại toàn thế giới và cảnh báo về một cuộc xung đột quân sự ở mức độ rộng lớn hơn.
Bản chất của cuộc xung đột Mỹ – Iran chính là một cuộc tranh chấp dầu mỏ, thứ được gọi là “vàng đen” của thế giới. Bởi thế vấn đề này đã, đang và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường toàn cầu.
Chiến tranh tiền tệ
Một yếu tố khiến thị trường chứng khoán Mỹ bị hạn chế trong năm nay là tỷ giá USD tăng cao do tốc độ tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất thế giới tương đối cao và các biện pháp kích thích tiền tệ do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra.
Người đứng đầu các ngân hàng trung ương nhấn mạnh rằng, các chính sách ưu đãi tiền tệ nhằm mục đích giảm lãi suất, chứ không phải hạ thấp tỷ giá tiền tệ quốc gia để tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc, các đối thủ thương mại sử dụng các biện pháp kích thích tiền tệ để phá giá đồng tiền quốc gia mình.
Sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phá giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm, Nhà Trắng đã gọi Bắc Kinh là một “nước thao túng tiền tệ”, đồng thời gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để cơ quan này hạ lãi suất và hạ giá đồng tiền Mỹ.
Căng thẳng gia tăng xung quanh cuộc chiến tiền tệ là một yếu tố gây lo ngại cho các nhà đầu tư và làm suy yếu niềm tin của doanh nghiệp, và là một yếu tố tiêu cực quan trọng đối với thị trường toàn cầu.
Xung đột thương mại khác
Các nền kinh tế lớn khác đang noi gương Tổng thống Mỹ Donald Trump, sử dụng các rào cản thương mại để thay đổi chính sách đối ngoại.
Hàn Quốc và Nhật Bản sa lầy vào các cuộc xung đột thương mại phát sinh từ nhiều thập kỷ trước, bắt đầu với vấn đề bồi thường cho các tội ác mà Nhật Bản đã gây ra trong thời kỳ thuộc địa của Hàn Quốc trong nửa đầu thế kỷ XX.
Mỹ và Ấn Độ cũng đang có nguy cơ tiến tới một cuộc chiến thương mại khi mà vào tháng 6, Ấn Độ đã có động thái trả đũa Washington sau khi Mỹ chấm dứt chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với 5,7 triệu USD hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ. Cụ thể, Ấn Độ ngày 16/6 đã áp thuế quan trả đũa lên 28 loại hàng hóa của Mỹ, tăng lượng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ lên 1,4 tỷ USD.
Theo TNCK