Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Ba phát đi cảnh báo rằng nguy cơ lạm phát sẽ không chỉ xảy ra nhất thời và hối thúc các ngân hàng trung ương phải có hành động sớm.
Đó cũng chính là vấn đề đang gây chia rẽ trong giới đầu tư, những người đang gấp gáp suy xét xem liệu đợt tăng giá tiêu dùng gần đây có tiếp tục kéo dài.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 5,4% so với cùng kỳ trong tháng Sáu – tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 13 năm; còn tại Vương quốc Anh, mức tương ứng là 2,5%, cao nhất kể từ tháng 8/2018 và cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh.
Đối với phần lớn quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế có trụ sở tại Washington này nhìn nhận những áp lực giá hiện nay chỉ là nhất thời. “Lạm phát dự kiến sẽ trở lại mức trước đại dịch ở hầu hết các quốc gia vào năm 2022”, Quỹ cho biết trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất được công bố hôm thứ Ba.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo cảnh báo rằng “sự không chắc chắn vẫn còn cao”.
“Có một rủi ro là áp lực nhất thời có thể trở nên dai dẳng hơn, và các ngân hàng trung ương có thể cần phải có hành động sớm”, IMF cảnh báo.
Mặt bằng giá cao hơn đang làm tăng khả năng các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu tiết giảm các chính sách tiền tệ cực kỳ phù hợp hiện nay của họ, chẳng hạn như cắt giảm các biện pháp kích thích thân thiện với thị trường như mua tài sản.
Phát biểu vào đầu tháng này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết thị trường việc làm “vẫn còn một khoảng cách” so với đích đến mà ngân hàng trung ương muốn đạt tới trước khi giảm kích thích. Ông nói thêm rằng lạm phát “có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới trước khi điều chỉnh”.
IMF đã chỉ ra vào đầu tháng này rằng nếu Mỹ cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn thì điều này có thể làm tăng áp lực lạm phát hơn nữa và dẫn đến việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath cho biết trong một bài đăng trên blog hôm thứ Ba rằng “sự gián đoạn nguồn cung dai dẳng hơn và giá nhà ở tăng mạnh là các yếu tố có thể dẫn đến lạm phát cao liên tục”.
Bà cũng cảnh báo rằng “lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 ở một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, một phần liên quan đến áp lực giá lương thực vẫn duy trì và đồng tiền mất giá”.
Khả năng phục hồi trên toàn toàn cầu là “không chắc chắn”
IMF trong báo cáo cập nhật phát hành hôm thứ Ba vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 6% cho năm 2021, nhưng đã điều chỉnh kỳ vọng cho năm 2022. Thay vì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 4,4% như dự đoán vào tháng 4, Quỹ nâng dự báo tăng trưởng lên 4,9% trong năm tới.
“Việc nâng 0,5 điểm phần trăm cho năm 2022 phần lớn xuất phát từ việc nâng cấp dự báo cho các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là Mỹ, phản ánh hiệu ứng từ dự luật về hỗ trợ tài khóa bổ sung trong nửa cuối năm 2021 và các chỉ số về sức khỏe được cải thiện rộng rãi hơn trên toàn cầu”, IMF viết.
Tuy nhiên, triển vọng nói trên còn phụ thuộc vào các chiến dịch tiêm chủng Covid-19.
Theo Our World in Data, 13,81% dân số toàn cầu đã được tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ và 13,46% được tiêm một liều. Ở khía cạnh này, đang có sự khác biệt rõ rệt giữa các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển.
Ở Anh và Canada, hơn 54% tổng số dân đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi ở Nam Phi con số này chỉ có 3,9% và ở Ai Cập là 1,57%.
“Khả năng tiếp cận vắc-xin đã nổi lên như một vấn đề chính khiến sự phục hồi trên phạm vi toàn cầu chia thành hai khối: những nước có thể mong đợi bình thường hóa hơn nữa hoạt động kinh tế vào cuối năm nay (hầu như tất cả các nền kinh tế tiên tiến); và những nước vẫn sẽ đối mặt với dịch bệnh đang bùng phát trở lại”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế lưu ý.
“Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn không chắc chắn ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, nếu vi-rút vẫn hoành hành ở các nơi khác”, IMF cảnh báo.
Theo Thoibaonganhang