26 C
Hanoi
24/04/2024
Image default
Mục khác Tin mới nhất

Hungary cho rằng chỉ có một cách duy nhất để chấm dứt xung đột Nga – Ukraine

Trả lời phỏng vấn trên kinh truyền hình SVT, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng các giải pháp mà châu Âu đang cố gắng tìm kiếm để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đều không hiệu quả, và xung đột chỉ có thể chấm dứt thông qua một lệnh ngừng bắn.

“Mục tiêu đầu tiên là chấm dứt thiệt hại về người, đồng nghĩa với việc phải có một thỏa thuận ngừng bắn và không có gì khác ngoài điều đó”, ông Szijjarto nói.

Ông Szijjarto lưu ý thêm các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga không thể ngăn chặn cuộc xung đột.

“EU đã đưa ra 10 gói trừng phạt chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên việc gia tăng sức ép kinh tế nói trên không giúp liên minh tìm được giải pháp hiệu quả cho cuộc xung đột quân sự. Các lệnh trừng phạt kinh tế này không hạ gục nền kinh tế Nga, thay vào đó lại gây tác động rất nghiêm trọng đến các nước châu Âu”, Ngoại trưởng Hungary nhấn mạnh.

“Tôi cho rằng các giải pháp châu Âu đang tìm kiếm để giải quyết xung đột ở Ukraine là không hiệu quả bởi vì chúng ta đã bị cuốn theo tâm lý của cuộc xung đột”, ông Szijjarto lưu ý.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Hungary Today.

Khi được hỏi tại sao Hungary không chuyển giao vũ khí cho Ukraine, ông Szijjarto cho biết: “Chúng tôi là quốc gia láng giềng với Ukraine, chúng tôi không muốn có thêm thương vong. Đây là lý do tại sao chúng tôi đang nỗ lực ngăn chặn điều đó. Chúng tôi không gửi vũ khí cho Ukraine, chúng tôi tiếp tục ủng hộ hòa bình”.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kever cũng chỉ trích hoạt động viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD của phương Tây.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình tiếng Anh của Hungary HirTV ngày 5/3, nghị sĩ Hungary nói rõ: “Các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU đã hỗ trợ cho một trong những bên trong xung đột là Ukraine các thiết bị sát thương trị giá gần 60 tỷ USD”.

Theo ông Kever, điều đó có nghĩa là “những quốc gia thành viên hai khối này trên thực tế đều đã trở thành các bên tham gia xung đột”.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã bước sang năm thứ hai và gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề, trước hết là cho hai nước. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine năm ngoái đã giảm hơn 30%, trong khi các số liệu mới nhất do cơ quan thống kê LB Nga công bố cho thấy, tăng trưởng của nền kinh tế này giảm 2,1%. Xung đột cũng gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn chưa từng có tại châu Âu kể sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Số liệu do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) công bố vào tháng 1/2023 cho thấy trên 18.000 người thiệt mạng; 7,9 triệu người phải sơ tán sang các nước châu Âu và 21,8 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....