28 C
Hanoi
27/04/2024
Image default
Tiêu điểm Tin mới nhất

Hơn 35 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, lại một cột mốc đáng buồn

Thế giới ghi nhận hơn một triệu ca tử vong vì COVID-19 trong hơn 35,3 triệu người đã nhiễm virus, Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục kêu gọi các nước áp đặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, với 7.633.469 ca nhiễm và 214.593 người tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận

Tổng thống Mỹ Donald Trump và vợ được thông báo đã dương tính với covid-19 vào ngày (2/10) và được đưa tới Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed điều trị, nhưng 2 ngày sau đó (4/10), theo CNN, giữa lúc đang được điều trị Covid-19, Tổng thống Trump đã rời khỏi bệnh viện và lên xe để đi chào những người ủng hộ đang đứng ngoài Trung tâm Y tế Quân sự Quốc gia Walter Reed.

Trong vòng 1 tuần qua, 9 bang ở Mỹ báo cáo số ca mắc mới tăng kỷ lục, chủ yếu ở khu vực phía tây. Các chuyên gia y tế Mỹ chưa xác định chính xác lý do ca mắc tăng mạnh, song họ chỉ ra sự mệt mỏi của người dân với các biện pháp phòng dịch mà chính phủ đề ra.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, với 6.622.180 ca mắc bệnh, trong đó có 102.714 ca tử vong. Dù xếp sau Mỹ về tổng số ca nhiễm bệnh, nhưng Ấn Độ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất thế giới, ở xung quanh mức 80.000 ca.

Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ hôm 29/9 cho biết, một cuộc khảo sát quốc gia được thực hiện từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 cho thấy khoảng 63,78 triệu người Ấn Độ đã nhiễm COVID-19, cao hơn khoảng 10 lần số liệu được công bố. Có rất nhiều lý do cho điều này, nhưng chủ yếu do người dân không được xét nghiệm đầy đủ. Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang khi tới các địa điểm công cộng.

Brazil, tâm dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm người 341 chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 146.352. Số ca mắc mới tăng 8.456 trong 24 giờ qua, lên 4.915.289. Số ca nhễm mới tại nước nay đã giảm đáng kể, nhưng giới chuyên gia vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Nga đã ghi nhận thêm 107 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 21.358. Số ca nhiễm tăng 10.499, lên 1.215.001.Nga tiếp tục là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ 4 trên thế giới.

Hôm 2/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga chưa có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa trên toàn quốc vào thời điểm này. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh, nhà chức trách đang cân nhắc áp đặt một số biện pháp phòng dịch tăng cường.

Nga đã bắt đầu giai đoạn 2 tiêm phòng virus SARS-CoV-2 trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu vaccine Sputnik V của Nga.

Anh ghi nhận 502.978 ca nhiễm và 42.350 ca tử vong, tăng lần lượt 7.982 và 33 trường hợp. Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo, Anh sắp đối mặt với một “mùa Đông khắc nghiệt” với “những tháng khó khăn” trước và sau mùa Giáng Sinh. Thủ tướng Johnson thừa nhận nước Anh đang phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn, chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ 2.

The Guardian đưa tin, một chiến dịch phong toả 3 cấp độ mới đang được Chính phủ Anh lên kế hoạch, trong đó có những hạn chế chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu dịch. Tờ báo trích dẫn các tài liệu chính phủ bị rò rỉ tiết lộ những biện pháp cứng rắn hơn có thể được thực hiện ở cấp độ địa phương hoặc quốc gia nếu chính phủ không kiểm soát được dịch COVID-19 lây lan. Trong số những hạn chế của đề xuất mới có thể bao gồm việc đóng cửa các quán rượu và cấm mọi tiếp xúc xã hội bên ngoài gia đình.

Tại Pháp ngày 4/10, bộ y tế cho biết, số ca nhiễm mới trong ngày tại nước này là gần 17.000, nhiều hơn 5.000 ca so với một ngày trước đó. Hãng tin CNN nhận định, thủ đô Paris đang dần quay trở lại với lệnh phong tỏa, do tình hình dịch tại đây đang diễn biến xấu. Tỷ lệ mắc bệnh là 250 ca trên 100.000 dân. Ít nhất 30% số giường thuộc những khu chăm sóc y tế đặc biệt của thành phố dành cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19.

Philippines, vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với 322.497 ca nhiễm và 5.776 ca tử vong, tăng lần lượt 3.190 và 100 ca. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất trong gần 2 tuần qua.

Nước này tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh đến ngày 31/10. Các thành viên nhóm chuyên trách COVID-19 của chính phủ cho biết họ không thể lơ là, mặc dù muốn thúc đẩy nền kinh tế.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết, tính đến chiều tối 4/10, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng trên 1.506.185 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 36.614 người tử vong và trên 1.243.259 người bình phục.

Theo CDC châu Phi, tổng số ca mắc Covid-19 tại lục địa này chiếm khoảng 4,4% tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu và tổng số ca tử vong liên quan Covid-19 chiếm khoảng 3,6%.

New Zealand, quốc gia với 5 triệu dân, dường như đã ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng từ đầu năm nay sau một đợt phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt. Nhưng tháng 8 vừa qua, dịch tái bùng phát ở Auckland, với 179 người nhiễm virus SARS-CoV-2, khiến Thủ tướng Ardern phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế tại đây.

Ngày 5/10, New Zealand ghi nhận 1 ca nhiễm mới nhập cảnh từ nước ngoài. Theo đó, hiện tổng số ca nhiễm ở nước này là 1.499 ca, trong đó 25 ca tử vong.

Phát ngôn viên WHO Margaret Harris hôm 30/9 thừa nhận việc hơn một triệu người chết vì nCoV trên toàn cầu là “một cột mốc vô cùng đáng buồn”, thêm rằng nhiều nạn nhân đã phải ra đi một cách “khó khăn và cô đơn” trong khi gia đình họ không thể nói lời từ biệt. Tuy nhiên, bà Harris chỉ ra “điều tích cực” về đại dịch là nó “có thể ngăn chặn được, không phải bệnh cúm”.

Tổng hợp

Tin liên quan

Đang tải....