25 C
Hanoi
10/09/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Tin mới nhất

Hậu đại dịch, lạm phát sẽ nhấn chìm kinh tế thế giới?

Kể cả khi xác suất lạm phát tăng là rất nhỏ, đó cũng là điều cần phải lo lắng bởi vì khối lượng nợ quá lớn và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đang phình to. Thay vì phớt lờ rủi ro, các chính phủ nên hành động ngay từ bây giờ để tự bảo vệ mình.

Các chuyên gia kinh tế rất ưa thích các cuộc tranh luận, nhưng cho đến gần đây gần như tất cả sẽ nói với bạn rằng “lạm phát đã chết”. Triển vọng lạm phát thấp ăn sâu vào cách các nước hoạch định chính sách tiền tệ và cách vận hành của thị trường tài chính. Đó cũng là lý do tại sao các NHTW có thể hạ lãi suất xuống gần 0 và mua vào khối lượng trái phiếu chính phủ khổng lồ. Lạm phát siêu thấp còn là nguyên nhân lý giải tại sao các chính phủ có thể “say sưa” chi tiêu và vay mượn để cứu nền kinh tế khỏi những hệ luỵ của đại dịch – tỷ lệ nợ công của các nước giàu đã lên đến 125% mà không ai phải nhíu mày.

“Cuộc đi săn lợi suất” liên tục đẩy chỉ số S&P 500 lên các đỉnh cao mới bất chấp số người Mỹ nhập viện vì Covid-19 không ngừng tăng lên. Với 1 thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng như hiện nay, kịch bản phù hợp nhất là nền kinh tế sẽ bật tăng mạnh nhưng không kèm theo lạm phát trong năm 2021 và xa hơn thế nữa.

Tuy nhiên vẫn có 1 nhóm cho rằng thế giới hậu đại dịch sẽ bước vào thời kỳ lạm phát cao hơn. Theo họ, kể cả khi xác suất lạm phát tăng là rất nhỏ, đó cũng là điều cần phải lo lắng bởi vì khối lượng nợ quá lớn và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đang phình to. Thay vì phớt lờ rủi ro, các chính phủ nên hành động ngay từ bây giờ để tự bảo vệ mình.

Suốt kể từ khi Margaret Thatcher cảnh báo về vòng luẩn quẩn giữa giá cả và tiền lương mà đe doạ sẽ “phá huỷ” xã hội, các nước phát triển vẫn coi lạm phát thấp là điều ngẫu nhiên. Kể cả trước dịch, thị trường lao động sôi động cũng không thể khiến giá tăng, và giờ thì đang có rất nhiều người thất nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định phương Tây, đặc biệt là Eurozone, đang bước vào con đường giảm phát của Nhật Bản.

Rất khó để dự đoán khi nào thì lạm phát quay trở lại. Sau khủng hoảng tài chính 2008, một số người đã cảnh báo chương trình nới lỏng định lượng của các NHTW sẽ làm hồi sinh lạm phát, nhưng cuối cùng thì điều đó không xảy ra.

Ngày nay các lập luận của “phe lạm phát” đã mạnh lên, với dự đoán lạm phát có thể bùng lên vào năm 2021. Trái ngược với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính, cung tiền của các nước phát triển đã tăng vọt trong năm qua bởi vì các ngân hàng cho vay ồ ạt. Mắc kẹt trong nhà, người dân không thể tiêu tiền. Nhưng khi thế giới đã có vaccine và không còn phải họp hành qua Zoom, người tiêu dùng sẽ ồ ạt ra đường mua sắm bù – vượt quá khả năng hồi phục của các công ty và khiến cầu vượt quá cung, đẩy giá tăng lên. Hiện nền kinh tế toàn cầu cũng đang có nhiều “nút thắt cổ chai”. Ví dụ, giá đồng cao hơn 25% so với thời điểm đầu năm 2020.

Thế giới có thể xử lý được tình trạng lạm phát nếu như đó chỉ là tình trạng tạm thời. Tuy nhiên, một số người cho rằng lạm phát sẽ kéo dài. Ở phương Tây và ở châu Á, nhiều nước đang lâm vào tình trạng dân số già, dẫn đến khan hiếm lực lượng lao động. Nhiều năm nay, toàn cầu hoá đã làm giảm lạm phát bằng cách tạo ra 1 thị trường hiệu quả hơn cho cả hàng hoá và lao động. Và giờ thì toàn cầu hoá đang suy giảm.

Nếu lạm phát tăng trong năm 2021, ban đầu nó sẽ được chào đón vì đó là dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch. Thậm chí ở Nhật Bản và Eurozone các nhà hoạch định chính sách sẽ cảm thấy được xoa dịu vì đã thoát khỏi giảm phát.

Xác suất lạm phát kéo dài khá thấp. Nhưng nếu như các NHTW phải tăng lãi suất để kiểm soát giá cả, điều đó sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khá nghiêm trọng. Thị trường chứng khoán sẽ lao dốc và những doanh nghiệp nợ quá nhiều sẽ gặp khó khăn chồng chất. Quan trọng hơn là mức nợ đáng báo động của các quốc gia. Vì lượng dự trữ mà các NHTW tạo ra để mua trái phiếu có lãi suất thả nổi, chúng rất nhạy cảm với lãi suất ngắn hạn. Tháng trước, giới chức Anh cảnh báo sự kết hợp giữa nới lỏng định lượng và các đợt phát hành mới khiến mức độ nhạy cảm của chi phí vay nợ của quốc gia với lãi suất ngắn hạn tăng gấp đôi so với đầu năm, gấp 3 so với năm 2012.

Vì thế mặc dù khả năng xảy ra lạm phát chỉ tăng nhẹ, những hệ luỵ là rất lớn. Các quốc gia cần phải tự bảo vệ mình trước rủi ro bằng cách sắp xếp lại cấu trúc nợ. Các chính phủ nên tài trợ cho các gói kích thích tài khoá bằng cách phát hành nợ dài hạn thay vì ngắn hạn. Hầu hết các NHTW nên dần dần dỡ bỏ QE và nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách thực thi lãi suất âm đối với lãi suất ngắn hạn. Các bộ trưởng tài chính nên gộp cả những rủi ro mà NHTW chấp nhận vào dự toán ngân sách.

Mitlton Friedman từng thừa nhận mối quan hệ ngắn hạn giữa cung tiền và lạm phát đã vụn vỡ. Nhưng đại dịch Covid-19 cho thấy giá trị của việc chuẩn bị sẵn sàng cho những sự kiện dù hiếm khi xảy ra nhưng sẽ gây ra những tác động rất khủng khiếp. Kịch bản lạm phát quay trở lại hoàn toàn không phải là ngoại lệ.

Tham khảo The Economist

Theo Tổ Quốc

Tin liên quan

Đang tải....