(GVNET) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 13, Quốc hội khóa XV (lĩnh vực ngân hàng). Trong đó, trọng tâm Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Liên quan đến việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong nước, trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong đó, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.
Đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng nhiệm vụ quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi,… gây mất ổn định thị trường vàng.
Cụ thể, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tổ chức đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng theo Quyết định 324 ngày 17/5/2024. Đến nay, việc thanh tra trực tiếp đã kết thúc và đang trong quá trình dự thảo báo cáo kết luận.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường. Phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an và chính quyền các địa phương, để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.
Với những giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được kiểm soát và duy trì với biên độ phù hợp, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5-7%. Thị trường vàng ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.
Về diễn biến của giá vàng, gần 1 tháng nay, giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn liên tục tăng cao. Giá vàng nhẫn có xu hướng điều chỉnh nhanh theo biến động của thị trường thế giới, trong khi vàng miếng SJC nương theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Giữa bối cảnh giá vàng liên tục biến động, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp thị trường và thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, những biện pháp can thiệp này chỉ mang tính tạm thời. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu và trình các giải pháp căn cơ hơn lên Chính phủ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Tổng hợp