15.1 C
Hanoi
18/01/2025
GiaVang.Net
Image default
Tin mới nhất Vàng Vàng thế giới Vàng trong nước

Giá vàng Việt Nam đắt nhất thế giới, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã không còn phù hợp

Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã thiết lập lại trật tự thị trường vàng, ngăn được tình trạng vàng hóa. Mấy năm gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng, cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới, cho thấy nhiều quy định tại Nghị định 24 không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay.

Nghị định 24 ra đời khi giá vàng thế giới ở mức 1.670 USD/ounce, và giá vàng trong nước 42,5 triệu đồng/lượng. Nếu trước đây chênh lệch thế giới vàng trong nước từ mức quanh 2 triệu đồng, nay có lúc trên 18 triệu đồng/lượng. Những con số này đã phần nào nhìn thấy từ sự bất cập của Nghị định 24.

Năm 2022, những bất cập của Nghị định 24 đã được đặt ra tại nghị trường của Quốc hội. Cụ thể, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới quá cao, có lúc lên tới 20 triệu đồng là điều khó chấp nhận.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng 

Trả lời vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho rằng do nguồn cung vàng miếng trong nước giảm cùng biến động giá vàng thế giới khiến các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro nên niêm yết giá khá cao.

Với vai trò quản lý nhà nước, NHNN sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều, do đó chỉ trong trường hợp cần thiết NHNN mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.

Mới đây, trong báo cáo Chính phủ được Thống đốc NHNN thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội, về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn đối với lĩnh vực ngân hàng vào tháng 10/2023.

Theo đó, NHNN cho biết thời gian qua đã tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, gồm Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và 33 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng.

NHNN cũng tổ chức lấy ý kiến 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24, trao đổi trực tiếp với một số hiệp hội kinh doanh vàng để tìm hiểu kinh nghiệm quản lý thị trường vàng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á…

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên, NHNN sẽ tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp (nếu cần thiết).

Như vậy, NHNN chưa hé lộ sẽ có những thay đổi mới trong chính sách quản lý vàng. Trong khi đó, các quy định tại Nghị định 24 không chỉ khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, người mua chịu thiệt, còn “ngáng đường” phát triển của vàng trang sức.

Chênh lệch càng lớn càng kích thích lòng tham

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) liên quan trong phiên tòa xét xử vụ buôn lậu gần 51 kg vàng

Qua vụ án Mười Tường cho thấy bất cập của chênh lệch giá vàng này tạo ra cơ hội kinh doanh phi pháp – buôn lậu vàng.

Chênh lệch càng lớn càng kích thích lòng tham này. Điều này làm các cơ quan chức năng từ Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, cho đến cán bộ điều tra phải gia tăng năng lực thực thi pháp luật trong việc phòng, chống buôn lậu và vận chuyển tiền xuyên biên giới.

Từ quan điểm cá nhân, tồn tại này là chấp nhận được để đánh đổi cho một chính sách tiền tệ của một quốc gia có hiệu lực cao. Những người ủng hộ việc thu hẹp chênh lệch giá vàng yêu cầu NHNN nhập khẩu vàng và bán vàng ra; hoặc cho phép các công ty kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng trên danh nghĩa để sản xuất vàng nữ trang.

Hơn 10 năm qua, cùng tiêu chuẩn về vàng nhưng vàng nữ trang luôn có giá thấp hơn vàng miếng. Người dân hiểu được bản chất của sự chênh lệch này không phải do nhu cầu vàng nữ trang cao, mà do không mua được vàng miếng nên họ chuyển sang vàng nữ trang. Qua đó, các công ty kinh doanh vàng, hay những nhà ủng hộ việc nhập khẩu vàng, gây sức ép buộc NHNN bán ra vàng nguyên liệu cho các công ty kinh doanh vàng, hoặc cho phép các công ty kinh doanh vàng nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Chênh lệch giá vàng dựa trên tiêu chuẩn vàng nữ trang này chỉ vài triệu đồng so với giá thế giới. Xét trên mức chênh lệch này không phải quá áp lực cho vàng nhập lậu qua biên giới, cũng như tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do.

Chênh lệch giá vàng nữ trang với giá vàng thế giới 10 năm qua vẫn không đáng kể. Nhưng thị trường vàng đang xuất hiện nhiều thương hiệu vàng miếng khác tồn tại song song với vàng miếng SJC do NHNN quản lý, đang bán với giá cao hơn giá vàng nữ trang và thấp hơn giá vàng miếng, đang hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng là điều cần quản lý.

Sản xuất nữ trang cần được nhập vàng nguyên liệu

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, sau hơn 10 năm kể từ khi Nghị định 24 được ban hành với các quy định về thị trường vàng thì đến nay tình hình đã thay đổi, do đó cần điều chỉnh, nhằm khơi thông thị trường vàng và thu hẹp khoảng cách về giá trong nước và quốc tế.

Nếu được nhập khẩu vàng, ông Khánh cho rằng trước hết cần chính sách cho nhập vàng nguyên liệu để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi. Bởi nếu không cho mở cửa thì nguồn vàng không chính ngạch vẫn vào thị trường khi cung vàng trong nước khan hiếm, giá cao hơn quốc tế.

Trong khi đó, ngành sản xuất nữ trang vàng đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, nhưng không có nguyên liệu để làm. Vì thế, cần có chính sách cho các doanh nghiệp sản xuất nữ trang được nhập vàng nguyên liệu về sản xuất. Thực tế trong gần 10 năm qua, các doanh nghiệp này đã thu gom vàng trôi nổi trên thị trường, trong đó có nguồn vàng nhập lậu vào thị trường Việt Nam, do tất cả các nước trong khu vực thị trường vàng trong nước và quốc tế đều liên thông nhau.

ông Huỳnh Trung Khánh

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu vàng nguyên liệu, Hiệp hội cũng cho biết, việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần được khuyến khích để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khi giá vàng nội cao hơn giá quốc tế, thì doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

VGTA từng kiến nghị sớm sửa Nghị định 24 theo hướng xem vàng nữ trang là mặt hàng kinh doanh bình thường, thay vì mặt hàng kinh doanh có điều kiện như hiện nay.

Thực tế cũng cho thấy, kể từ khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ tháng 5/2012, thị trường không có nguồn cung vàng nguyên liệu. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước quản lý và sản xuất độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, song nhà nước cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC. Trong khi đó, người dân luôn muốn nắm giữ vàng miếng SJC khiến giá của loại vàng này ngày càng tăng và cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng.

“Tập quán giữ vàng của người dân luôn tồn tại. Không thể chỉ hạn chế điểm bán vàng miếng thì người dân sẽ không giữ vàng, nhất là trong tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn, giá vàng quốc tế vẫn tiếp tục tăng. Từ bao đời nay, vàng là loại tài sản giá trị lớn, có mặt trong rất nhiều gia đình Việt. Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống”, một chuyên gia lâu năm trong ngành vàng nói.

Truyền thống cất trữ vàng vẫn tồn tại và tiếp tục được củng cố trong bối cảnh biến động kinh tế, lạm phát… vàng vẫn luôn có giá trị cao. Và, tình trạng nhập lậu vàng không kiểm soát nổi, ồ ạt thu gom USD để nhập vàng làm tỷ giá tăng ảnh hưởng các mặt hàng nhập khẩu khác, VNĐ mất giá… là những hệ quả tất yếu khi thị trường vàng trong nước không được liên thông với thế giới.

Do vậy, việc quản lý, kiểm soát, dần tiến tới thu hẹp thị trường vàng vật chất là những biện pháp cần thiết đã được NHNN thực thi thời gian qua. NHNN đã liên tiếp ban hành các thông tư với chủ trương loại bỏ vàng ra khỏi hệ thống tín dụng và tổ chức lại thị trường vàng.

Nhưng đến nay, khi thị trường vàng đã phần nào được kiểm soát ổn định, cần thiết sửa đổi Nghị định 24. Trong đó có việc NHNN cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để NHTM kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN, dĩ nhiên sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và NHTM.

Ông Khánh cho biết, VGTA đã có kiến nghị về việc sửa đổi Nghị định 24, để không thể còn độc quyền thương hiệu, đẩy giá vàng SJC luôn cao hơn thế giới đến hàng chục triệu đồng.

VGTA mong muốn sớm được sửa đổi Nghị định 24, song phải có sự cho phép từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, do còn phải dự thảo, lấy rộng rãi, sau đó trình lên các Bộ ngành, Thủ tướng…, nên cũng phải cần có thời gian”, ông Khánh cho biết.

Trước ý kiến cho rằng, chính các quy định của Nghị định 24 đã giúp ổn định thị trường ngoại tệ cũng như tỷ giá kể từ khi ban hành đến nay, Phó Chủ tịch VGTA cho rằng, điều đó là có, nhưng nó cũng chỉ có giá trị thời gian 10 năm qua, còn hiện nay thì các quy định này đã làm cho thị trường vàng méo mó.

Theo ông Khánh, việc cho rằng nhập khẩu vàng sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ là không đúng. Lấy ví dụ, trong khi nhập khoảng 2 tấn vàng chỉ tốn khoảng 1 tỷ USD và lượng vàng nhập có thể được xuất trở lại khi vàng quốc tế tăng hoặc bình ổn giá vàng trong nước, thì việc nhập khẩu smartphone trong năm qua tại Việt Nam đã tiêu tốn khoảng 1-2 tỷ USD và sản phẩm này còn không thể tái xuất khẩu được.

“Hiện thị trường vàng trong nước đã ổn định, nên nếu mở cửa cũng chỉ để đạt mục đích cân bằng cung – cầu trên thị trường, chứ không thể nói là ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ cũng như tỷ giá tiền đồng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiểm soát tỷ giá ổn định, kể cả khi có áp lực, tỷ giá vẫn ổn định”, ông Khánh nhấn mạnh.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....