Giá vàng có thể sẽ tiếp tục chịu sức ép trong tuần từ 20- 24/5 khi USD đang có xu hướng tăng giá trong điều kiện chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang.
Giá vàng giảm mạnh cuối tuần
Sau khi mở cửa tuần này ở mức 1.286USD/oz, giá vàng quốc tế đã tăng vọt lên mức 1.304USD/oz, nhưng sau đó đã giảm mạnh xuống mức 1.274USD/oz và đóng cửa ở mức 1.277USD/oz. Như vậy, giá vàng tuần này đã giảm khoảng hơn 0,6% so với mức giá đóng cửa của cuối tuần trước.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế khi tăng từ mức 36,25- 36,33 triệu đồng/lượng lên mức 36,43- 36,56 triệu đồng/lượng, tăng 180.000đ/lượng ở chiều mua vào và 230.000đ/lượng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, sau đó giá vàng miếng SJC đã giảm xuống mức 36,28- 36,38 triệu đồng/lượng ở phiên cuối tuần.
Sở dĩ giá vàng giảm mạnh vào cuối tuần này là do nhu cầu vàng vật chất trên thế giới đã chững lại sau khi mùa lễ hội Akshaya Tritiya ở Ấn Độ qua đi. Ngoài ra, các số liệu kinh tế Mỹ được công bố khả quan hơn nhiều so với dự kiến, đặc biệt là chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ tháng 5 tăng mạnh lên mức 102,4 điểm, mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Số liệu này cho thấy, người dân Mỹ vẫn đang rất lạc quan vào nền kinh tế Mỹ. Số liệu này cũng đã phần nào xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ. Theo đó, USD index đã tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, tăng 0,18% đóng cửa tuần này ở mức 97,8 điểm.
USD “chèn ép” giá vàng
Theo dự báo của giới chuyên gia, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khoảng 0,3% trong năm nay, thậm chí giảm tới 0,6% nếu Trump tăng thuế nhập khẩu đối với cả 325 tỷ USD các loại hàng hóa khác của Trung Quốc.
Nếu đấu bằng biện pháp thuế quan, thì Trung Quốc không đủ khả năng, vì nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc lớn hơn nhiều so với nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ. Bởi vậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ (phá giá tiền tệ hoặc giảm lãi suất, hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc…), thậm chí dùng chính sách tài khóa để đấu với Mỹ, nhất là khi kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu bất ổn. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ gần 6 tỷ USD trái phiếu, tăng gấp 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và nguy cơ này sẽ càng lớn hơn nữa sau quyết định tăng thuế nói trên của Trump. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc được phát hành khá nhiều bằng USD, nếu tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng, sẽ làm giảm xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc trên thị trường tài chính quốc tế, khiến các nhà đầu tư quốc tế bán tháo trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc và ồ ạt rút vốn đầu tư ra khỏi nước này.
Một nguồn tin cho biết, hiện ngân sách Trung ương và địa phương của Trung Quốc còn khoảng gần 3.700 tỷ USD chưa được giải ngân trong kế hoạch 2019. Nguồn tiền này có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, sử dụng biện pháp này sẽ rất rủi ro khi khối nợ của Trung Quốc hiện đã ở mức 300% GDP. Trong khi đó, sử dụng biện pháp phá giá tiền tệ trước mắt có thể sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin, đẩy mạnh dịch chuyển đầu tư sang các quốc gia khác. Các biện pháp khác, như giảm lãi suất hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các NHTM cũng có mặt trái là làm gia tăng áp lực lạm phát.
Trong khi đó, áp lực lạm phát của Mỹ đang có xu hướng giảm, tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn ổn định (GDP quý 1/2019 tăng tới 3,2% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với dự báo). Lãi suất cơ bản của Mỹ vẫn đang cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác. Bởi vậy trong ngắn hạn, USD sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư “săn lùng” để bảo toàn giá trị, như từng diễn ra trong năm 2018, và điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng.
Ông Afshin Nabavi, Trưởng phòng kinh doanh của Tập đoàn MKS cho rằng, giá vàng có thể sẽ tiếp tục chịu sức ép khi USD vẫn đang có nhiều lợi thế tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt. “Nếu không có gì đột biến, thì giá vàng có thể sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 1.267- 1.309USD/oz trong thời gian trước mắt”, ông Nabavi nhận định và cho biết thêm, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông vẫn đang hỗ trợ tích cực cho giá vàng ngắn hạn.
Trong tuần tới, có một số thông tin quan trọng, như Chủ tịch FED Powell và một số thành viên của FED phát biểu, đơn đặt hàng hóa bền lâu của Mỹ…
Theo phân tích kỹ thuật, sau khi vượt qua kênh giảm giá ngắn hạn, giá vàng lại quay vào nằm trong kênh này. Hơn nữa, các chỉ số MACD, Stochastic, ADX … đã phân kỳ âm. Đặc biệt MACD trong biểu đồ 4h bị đẩy xuống dưới đường zero, trong khi MACD vẫn nằm dưới đường này. Theo đó, nếu không trụ vững trên 1.267USD/oz và phá vỡ mức 1.256USD/oz, thì giá vàng có thể xuống 1.244USD/oz. Trong khi đó, mức 1.297- 1.304USD/oz đang là vùng kháng cự mạnh, kế tiếp là 1.310- 1.317USD/oz.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 20- 24/5, trong số 18 chuyên gia phân tích của Wall Street, có 9 người (50%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 6 người (33%) dự báo giá vàng sẽ giảm, 3 người (17%) dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong số 332 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 167 người (50%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 110 người (33%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 55 người (17%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp