Ngân hàng SVB phá sản đã làm “rúng động” thị trường tài chính toàn cầu, khiến vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn. Giá vàng tuần tới tiếp tục bứt phá vì ‘cơn địa chấn” SVB?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã tăng mạnh lên mức 1.870 USD/oz, trong khi giá vàng miếng SJC tại thị trường vàng Việt Nam cũng tăng mạnh lên mức 66,75 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng tăng mạnh do Cục Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California tuyên bố đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và chỉ định Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản. SVB được biết đến với việc cung cấp vốn mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và hỗ trợ tiền điện tử, đã rơi vào tình trạng cạn kiệt thanh khoản sau khi công bố kế hoạch bán cổ phần để huy động vốn. SVB cần huy động tiền để trang trải khoản thâm hụt 1,8 tỷ USD sau khi bán dưới giá vốn nhiều tài sản, trong đó chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ.
Không có gì ngạc nhiên khi việc SVB nắm giữ nhiều tài sản thế chấp vay vốn bằng trái phiếu và chứng khoán đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi FED liên tục tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo nhiều chuyên gia phân tích, đây chỉ là dấu hiệu bất ổn ban đầu về những gì sắp xảy ra, vì nền kinh tế Mỹ vẫn chưa cảm nhận được toàn bộ tác động của việc FED tăng lãi suất.
Vấn đề đặt ra hiện nay là với một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn đang có nguy cơ bùng phát sau vụ SVB, FED có tiếp tục đẩy mạnh tăng lãi suất cao hơn trong các cuộc họp sắp tới hay không?
Tại phiên điều trần vừa qua, Chủ tịch FED vẫn “mạnh miệng” tuyên bố FED sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo đó, thị trường kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp sắp tới.
Khẳng định trên của Chủ tịch FED diễn ra trước khi SVB phá sản. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu vụ phá sản của SVB có tác động dây chuyền lớn và là dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng tài chính toàn cầu như vụ Lehman Brothers, thì FED sẽ phải thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng tiếp tục giảm mức tăng lãi suất và sớm tiến tới dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện hành.
Trên thực tế, SVB không có quy mô lớn như Lehman Brothers, nhưng cũng gây ra chấn động lớn đến tâm lý các nhà đầu tư, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời cho thấy tác động tiêu cực quá lớn từ việc FED liên tục tăng lãi suất.
Ông Colin, chuyên gia ngoại hối độc lập nhận định: “Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất mạnh như tuyên bố, vượt ngưỡng 6%, thì sẽ còn có nhiều tổ chức tài chính khác ở Mỹ có nguy cơ phá sản như SVB”.
Cuối tuần này, dù báo cáo việc làm phi nông nghiệp Mỹ (NFP) đạt 311.000 việc làm trong tháng 2, cao hơn mức dự kiến 224.000 việc làm, nhưng thấp hơn nhiều so với tháng 1 là 504.000 việc làm. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ 3,4% lên mức 3,6%. Điều này cũng phần nào cho thấy thị trường lao động Mỹ đã và đang chịu tác động tiêu cực của việc FED tăng lãi suất.
Bà Chantelle Schieven, Giám đốc phân tích của Capitallight Research, cho rằng FED đang tiếp tục đẩy nền kinh tế vào rủi ro khi đánh giá thấp độ trễ trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Quan điểm này sẽ càng khiến kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung dễ rơi vào bất ổn. “Nguy cơ khủng hoảng tài chính do FED gây ra có thể sẽ đẩy giá vàng lên 2.000 USD/oz vào cuối năm nay”, bà Schieven nhận định.
Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2, dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống mức 6% so với mức 6,4% trong tháng 1. Nếu dự báo này là xác thực, thì điều này kết hợp với vụ phá sản SVB, sẽ khiến FED chỉ tăng lãi suất thêm 0,25%, thậm chí tạm ngừng tăng lãi suất nếu vụ đổ vỡ SVB gây ra hậu quả quá lớn.
Ông Colin nhận định giá vàng tuần tới có thể sẽ tiếp tục tăng do vụ SVB. Theo đó, nếu vượt mạnh qua 1.871 USD/oz (MA50) thì giá vàng tuần tới có thể sẽ hướng tới phá vỡ ngưỡng 1.900 USD nếu lạm phát Mỹ tiếp tục giảm mạnh như dự kiến và “cơn địa chấn” SVB tạo tác động dây chuyền tới hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, ông Colin cảnh báo giá vàng ngắn hạn vẫn chưa thoát xu hướng điều chỉnh với mức 1.804 USD/oz vẫn đang là mức hỗ trợ quan trọng.
Theo Diễn đàn giá vàng