Số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ được công bố tuần tới dự kiến tiếp tục khả quan, nên giá vàng tuần tới có thể chịu thêm sức ép điều chỉnh.
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã điều chỉnh sau khi chạm ngưỡng 1.800USD/oz. Theo đó, có thời điểm giá vàng đã xuống mức 1.756USD/oz và đóng cửa ở mức 1.769USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã điều chỉnh từ mức 55,8 triệu đồng/lượng xuống mức 55,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giao dịch vàng vẫn rất trầm lắng, và giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế.
Sở dĩ giá vàng điều chỉnh trở lại do Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đề xuất gói chi tiêu cho giáo dục, chăm sóc và nghỉ phép có lương trị giá 1.800 tỷ USD. Trước đó, ông Biden cũng đề xuất gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD. Nếu các gói kích thích này được Quốc hội Mỹ thông qua, sẽ góp phần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ.
Ngoài việc tăng thuế đối với người giàu, các tập đoàn lớn, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải phát hành trái phiếu Chính phủ để có tiền triển khai các gói kích thích nói trên. Điều này sẽ khiến giá trái phiếu Chính phủ giảm, đẩy lợi suất trái phiếu tăng, qua đó USD cũng sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn, ngoài tác động từ đà phục hồi kinh tế Mỹ. Đó là lý do tại sao giá vàng đã điều chỉnh trở lại sau khi ông Biden đề xuất các gói kích thích nói trên.
Tuy nhiên về dài hạn, các gói kích thích kinh tế nói trên sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể áp lực lạm phát của Mỹ vốn đã và đang có xu hướng tăng trở lại. Trong đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 3 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái; chỉ số chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Áp lực lạm phát tăng mạnh trong trung và dài hạn sẽ khiến USD sụt giảm và làm tăng vai trò trú ẩn của vàng.
Dù nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc đang phục hồi rất mạnh, nhưng nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ- quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, lại giảm mạnh do quốc gia này đang chìm ngập trong khó khăn do đại dịch COVID-19. Do đó, nhu cầu vàng vật chất chưa thể trở thành yếu tố hậu thuẫn tích cực cho đà tăng mạnh của giá vàng trong ngắn hạn.
Trong khi đó, các quỹ đầu tư ETFs, nhất là SPDR- quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, vẫn liên tục bán vàng. Trong tháng qua, qũy SPDR đã bán khoảng 15 tấn vàng.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập cho rằng, giá vàng vẫn đang trong xu thế tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng này đang gặp một số trở ngại do tác động tiêu cực từ USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Nếu trong thời gian tới, giá vàng không vượt mạnh qua 1.800USD/oz, thì có thể sẽ rơi vào trạng thái điều chỉnh, củng cố theo hướng giảm dần.
“Nếu giá vàng vẫn trụ vững trên mức 1.677USD/oz, thì giá vàng sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại”, ông Colin nhận định và cho biết thêm, về dài hạn, giá vàng vẫn được dự báo sẽ tăng mạnh do áp lực lạm phát gia tăng.
Theo phân tích kỹ thuật, mức 1.800USD/oz (MA 100) vẫn đang là mức kháng cự quan trọng trong ngắn hạn. Nếu vượt qua mức này, giá vàng sẽ hướng tới 1.855USD/oz. Trong khi đó, mức 1.745USD/oz đang là mức hỗ trợ đầu tiên của giá vàng tuần tới, kế tiếp là vùng 1.705- 1.723USD/oz.
Trong tuần tới, Mỹ công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng, trong đó đáng chú ý là các số liệu việc làm, như số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP), tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập bình quân hàng giờ… Trong đó, NFP dự kiến tiếp tục tăng mạnh với mức 975.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm do kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh trở lại. Nếu NFP đạt hoặc tăng mạnh hơn mức dự kiến, sẽ đẩy giá vàng tuần tới xuống các mức thấp hơn.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp