Việc Tổng thống Mỹ Biden đề xuất tăng gấp đôi thuế suất thuế thặng dư vốn đã tác động tiêu cực đến USD và các kênh đầu tư tài chính. Vậy giá vàng tuần tới có hưởng lợi từ đề xuất này?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có những diễn biến tích cực, trong đó giá vàng giao ngay đã có thời điểm áp sát mức 1.800USD/oz và đóng cửa ở mức 1.776 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng theo đà tăng của giá vàng quốc tế dù vẫn đang cao hơn nhiều giá vàng quốc tế quy đổi. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã tăng từ 55,6 triệu đồng lên mức 56,1 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng tiếp tục có những diễn biến tích cực do: Thứ nhất, nỗi lo lạm phát gia tăng mạnh vẫn bao trùm trong giới đầu tư khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi. Điều này khiến USD sụt giảm và làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn.
Thứ hai, Tổng thống Mỹ Biden vừa đề xuất tăng mạnh thuế thặng dư vốn nhằm thu về khoảng 1.000 tỷ USD để phục vụ cho các chương trình an sinh xã hội, như chăm sóc trẻ em, giáo dục trẻ em miễn phí, trả lương cho người lao động nghỉ phép… Theo đó, mức thuế suất thặng dư vốn được đề xuất tăng gấp đôi, từ 20% hiện nay lên mức 39,6% đối với những người có thu nhập từ đầu tư trên 1 triệu USD. Mức thuế đề xuất này được đánh giá là cao nhất thế giới, vì mức thuế suất thặng dư vốn bình quân trên thế giới chỉ khoảng trên 20%.
Thứ ba, Bitcoin, vốn được coi là vàng 2.0, liên tục bị bán tháo, cũng khiến cho dòng vốn đầu tư dịch chuyển mạnh sang vàng.
Trong tuần tới, có lẽ đề xuất thuế nói trên của ông Biden sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý của thị trường tài chính vì ông Biden dự kiến sẽ trình đề xuất này lên Quốc hội Mỹ. Trong bối cảnh áp lực lạm phát ở Mỹ đang gia tăng, đề xuất tăng thuế thặng dư vốn của ông Biden, nếu được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, sẽ khiến các nhà đầu tư bán tháo các tài sản bằng USD, làm cho đồng tiền này giảm mạnh, qua đó hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Đồng thời, chính sách thuế này còn tác động tiêu cực đến cả các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, kể cả tiền ảo… Trong khi vàng chủ yếu được sử dụng làm tài sản trú ẩn nên có thể ít bị ảnh hưởng.
Ông Colin, chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cũng cho rằng đề xuất tăng thuế thặng dư vốn của ông Biden sẽ tác động tiêu cực đến USD và có lợi cho giá vàng. Nếu giá vàng vượt xa mức 1.800USD/oz, thì có thể dễ dàng tiến tới mức 1.900USD/oz. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần thận trọng áp lực chốt lời vì đà tăng giá vàng ngắn hạn chưa thực sự bền vững. “Nếu giá vàng vẫn trụ vững trên 1.677USD/oz, thì đà tăng ngắn hạn vẫn còn được duy trì”, ông Colin nhấn mạnh.
Các sự kiện, số liệu kinh tế của Mỹ đáng chú ý trong trong tuần tới bao gồm cuộc họp chính sách tiền tệ của FED vào ngày 29/4; GDP quý 1, đơn đặt hàng hóa bền lâu, niềm tin tiêu dùng, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân… Trong đó, FED chắc chắn vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0- 0,25%. Tuy nhiên đối với Chương trình nới lỏng định lượng (QE), nhiều khả năng FED sẽ sớm thu hồi, vì trước đó FED đã từng cho biết sẽ thu hồi QE khi 75% dân số Mỹ được tiêm vaccine COVID-19, trong khi chính quyền Biden đặt mục tiêu tiêm loại vaccine này cho 100% dân số trưởng thành của Mỹ trước cuối tháng 5/2021. Hơn nữa, thanh khoản trong nền kinh tế Mỹ đang dư thừa. Việc rút QE sẽ tác động tích cực đối với USD, vì một lượng lớn tiền USD sẽ được hút về. Điều này cũng kích hoạt tính trạng bán tháo trái phiếu, khiến lợi suất trái phiếu tăng, qua đó USD sẽ tăng giá. Do vậy, nếu FED bật tín hiệu rút QE trong cuộc họp này, sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng…
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang trong xu thế tăng ngắn hạn. Nếu giá vàng tuần tới vẫn trụ vững trên 1.740USD/oz (MA 50), thì sẽ tiếp tục thách thức với 1.805USD/oz (MA100), kế tiếp là 1.857 USD/oz (MA200). Trong khi đó, mức 1.677USD/oz đang là mức hỗ trợ quan trọng.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp