Căng thẳng địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên, cũng như trong quan hệ Mỹ- Trung có thể tiếp tục tác động tích cực đến giá vàng tuần tới, nhưng khó đẩy giá vàng tăng mạnh.
Giá vàng quốc tế gần như chỉ điều chỉnh, củng cố từ 1.712USD/oz đến trên 1.730USD/oz trong phần lớn thời gian của tuần này, và đã tăng vọt lên 1.745USD/oz vào phiên cuối tuần, đóng cửa tuần ở mức 1.741USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng tăng khá mạnh, từ 48,55 triệu đồng/lượng lên mức 48,8 triệu đồng/lượng vào phiên cuối tuần này.
Sở dĩ giá vàng tăng vọt vào phiên cuối tuần này do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh ở Mỹ đã làm tăng gia tăng lo ngại làn sóng COVID-19 thứ 2 sẽ bùng phát ở Mỹ, khiến nước này đứng trước nguy cơ đóng cửa trở lại nền kinh tế.
Ngay cả Chủ tịch FED Powell cũng bày tỏ lo ngại về điều này khi cho rằng nếu dịch bệnh bùng phát trở lại thì kinh tế nước này sẽ còn tồi tệ hơn nữa, theo đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trở lại sau khi sụt giảm vào tháng 5.
Ngoài ra, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, cũng như trong quan hệ Mỹ- Trung cũng làm gia tăng vai trò trú ẩn của vàng. Sau cuộc gặp với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ và Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết cuộc gặp này không làm thay đổi quan điểm cứng rắn của ông với Trung Quốc- quốc gia mà ông Pompeo gọi là “bất hảo” trên trường quốc tế. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn khẳng định lại quan điểm của mình sẽ tìm cách cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.
Ông Everett Millman, Chuyên gia phân tích của Gainesville Coins, cho rằng căng thẳng Mỹ- Trung sẽ tiếp tục là nhân tố hỗ trợ tích cực cho giá vàng trong tuần tới. Mặc dù vậy, giá vàng cũng khó tăng mạnh khi nhu cầu vàng vật chất vẫn đang ở mức thấp. Hơn nữa, dù kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng USD lại vẫn trụ vững do được nhà đầu tư tìm kiếm làm nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, dịch bệnh bùng phát trở lại. “Nếu không vượt qua được vùng kháng cự mạnh 1.745- 1.765USD/oz, thì giá vàng sẽ nhanh chóng điều chỉnh trở lại xuống vùng 1.720USD/oz, hoặc thấp hơn nữa là 1.690USD/oz”, ông Millman nhận định.
Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng, như GDP quý 1 sửa đổi lần cuối, sản xuất công nghiệp PMI, đơn đặt hàng hóa bền lâu, doanh số bán nhà mới, chi tiêu tiêu dùng cá nhân… Trong đó, GDP quý 1 dự kiến vẫn giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái; còn các số liệu khác của tháng 5 đều dự kiến sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn toàn khớp với sự tăng mạnh của các chỉ số tháng 5 đã được công bố, như sản xuất công nghiệp PMI dự kiến phục hồi lên trên 50 điểm; đơn đặt hàng hóa bền lâu dự kiến tăng 10,5% so với kỳ trước giảm 17,7%; chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 8,9% so với kỳ trước giảm 13,6%…
Nếu các số liệu trên được công bố đúng như dự báo, sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng, vì các nhà đầu tư sẽ bớt lo ngại về kinh tế Mỹ, qua đó vai trò trú ẩn của vàng sẽ giảm bớt.
Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số ADX trên biểu đồ 4h vẫn cho thấy xu hướng tăng của giá vàng, nhưng Stochastic đã chạm vùng vượt mua và có dấu hiệu phân kỳ âm, nên khả năng điều chỉnh nhẹ của giá vàng trong đầu tuần tới là khó tránh khỏi. Trong khi đó, các chỉ số kỹ thuật trên biểu đồ ngày, như MACD, ATR, ADX, Stochastic, RSI… vẫn chưa thay đổi nhiều so với trước đó, nên xu hướng ngắn hạn vẫn thiên về điều chỉnh, củng cố.
Theo đó, nếu vẫn trụ vững trên 1.720USD/oz, thì giá vàng có thể vẫn duy trì ở mức cao và không ngoại trừ khả năng tiến tới thách thức với 1.765USD/oz, thậm chí cao hơn nữa nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục theo thang. Ngược lại nếu giảm xuống dưới 1.720USD/oz, giá vàng có thể về sát 1.700USD/oz, thậm chí là 1.670- 1.690USD/oz.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 22- 26/6, trong số 1.299 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 688 người (53%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 302 người (23%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 309 người (24%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp