Giá gạo nguyên liệu xuất khẩu hôm nay tiếp tục tăng, nguồn cung ít, trong khi nhu cầu thu mua gạo nguyên liệu tăng cao.
Giá lúa chất lượng cao tăng mạnh tại Kiên Giang trong tháng qua do nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi phần lớn vẫn ổn định tại các địa phương khác. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 duy trì ở mức 5.400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng nhẹ 100 đồng/kg lên 5.700 đồng/kg; lúa gạo thường ổn định ở mức 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 giảm 300 đồng/kg xuống 5.400 đồng/kg, lúa khô ổn định ở mức 6.000 đồng/kg; lúa hạt dài ướt tăng 200 đồng/kg lên 5.900 đồng/kg, lúa khô ở mức 6.200 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên mức 6.100– 6.200 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng mạnh 700 đồng/kg lên mức 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 400 đồng/kg lên mức 7.100 – 7.300 đồng/kg.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm, giá lúa diễn biến tăng tại một số tỉnh như An Giang, Kiên Giang, song lại giảm tại Vĩnh Long; trong đó, lúa thường IR50404 tại An Giang tăng 300 đồng/kg, Vĩnh Long giảm 500 đồng/kg; các loại lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 6976 tại An Giang tăng nhẹ khoảng 100 đồng/kg, tại Bạc Liêu tăng 100 đồng/kg và tăng mạnh từ 400 – 700 đồng/kg tại Kiên Giang.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo tháng 6 đạt 409 nghìn tấn, tương đương 207 triệu USD, tính chung 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 triệu tấn với 1,71 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 5 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40% thị phần với khối lượng 1,3 triệu tấn, tương đương 598,6 triệu USD, tăng 23% về khối lượng và tăng trên 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là: Senegal tăng 18,3 lần, Indonesia tăng 2,9 lần và Trung Quốc tăng 2,3 lần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 485 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 38% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 38%; gạo nếp chiếm 19,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines chiếm 63,6%, tiếp đến là Malaysia 12,6% và Ghana 2,9%. Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines chiếm 36,6%, Ghana 14,6% và Bờ Biển Ngà 9,8%. Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc chiếm 75,6%, tiếp đến là Philippines, Malaysia…
Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, triển vọng xuất khẩu gạo đang được mở ra khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được Quốc hội thông qua. Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hoá hoàn toàn với gạo tấm. Sau từ 3 – 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.
Nguồn: VITIC