Hãng Bloomberg đưa tin, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan ngày 9/8, gạo trắng Thái Lan 5% tấm – thước đo tiêu chuẩn của châu Á – đã tăng lên 648 USD/tấn, đắt nhất kể từ tháng 10/2008. Con số trên tương đương với mức tăng gần 50% trong năm qua.
Gạo là lương thực quan trọng trong chế độ ăn của hàng tỷ người châu Á và châu Phi. Việc tăng giá có thể gây thêm áp lực lạm phát và làm tăng chi phí nhập khẩu với các quốc gia mua gạo.
Một phần của việc tăng giá hiện nay tới từ mối nguy với nguồn cung của gạo Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Các nhà chức trách nước này đang khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn khi quốc gia này đối mặt với nguy cơ khô hạn tiềm năng do El Nino.
Lượng mưa tích lũy ở khu vực trồng trọt chính của miền Trung Thái Lan hiện thấp hơn 40% so với bình thường và động thái hạn chế trồng trọt là nhằm mục tiêu tiết kiệm nước cho các hộ gia đình. Chính phủ Thái Lan trước đó đã yêu cầu nông dân chỉ thu hoạch một vụ trong năm nay.
Tháng trước, Ấn Độ đã mở rộng lệnh cấm xuất khẩu gạo để bảo vệ nguồn cung trong nước, thúc đẩy tình trạng “mua hàng hoảng loạn” ở một số quốc gia. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo trên đã làm trầm trọng thêm nỗi lo lắng về thiếu hụt nguồn cung trước tình hình nhu cầu tiêu thụ trên thế giới ngày càng tăng.
Giá gạo tăng sẽ làm trầm trọng thêm áp lực trên thị trường lương thực toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt cùng với việc nguồn cung ngũ cốc từ khu vực biển Đen giảm do tình hình xung đột.
Ông Joseph Glauber, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington (Mỹ), nhận định giá gạo cao hơn sẽ góp phần gây ra lạm phát lương thực, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo ở các quốc gia tiêu thụ gạo lớn ở châu Á. Theo ông, các quốc gia thường tiếp bước khi một quốc gia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và người nghèo trên thế giới là những người thua thiệt nhiều nhất.
Ông Peter Timmer, Giáo sư danh dự tại Đại học Harvard (Mỹ), nhà nghiên cứu về an ninh lương thực trong nhiều thập kỷ qua và từng làm việc với các chính phủ châu Á về phản ứng chính sách của họ trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, dự báo giá gạo có thể tăng thêm 100 USD/tấn trong vòng 6-12 tháng tới.
Theo ông Timmer, vấn đề đặt ra lúc này là liệu giá tăng sẽ diễn ra từ từ, giúp người tiêu dùng có thời gian điều chỉnh mà không hoảng loạn, hay giá sẽ tăng đột biến lên 1.000 USD/tấn thậm chí cao hơn hay không.
Hầu hết gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ ở châu Á, nơi nông dân đang phải vật lộn với nắng nóng và hạn hán. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang khuyến khích nông dân chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn, trong khi nông dân ở các vùng sản xuất lúa gạo hàng đầu của Indonesia đang trồng ngô và cải bắp để đề phòng hạn hán.
Trong khi đó, nhà kinh tế cấp cao của Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank tại Singapore (Xin-ga-po) Chua Hak Bin cho biết, rủi ro lớn nhất là liệu El Niño và biến đổi khí hậu có làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và đẩy lạm phát lương thực lên cao hơn hay không. Theo ông, điều này có thể kích hoạt nhiều chính sách bảo hộ hơn, bao gồm kiểm soát xuất khẩu. Từ đó, tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và áp lực giá cả càng trầm trọng thêm .
Ông Chua Hak Bin nhận định các nền kinh tế thị trường mới nổi dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc giá lương thực như vậy do thực phẩm đóng vai trò lớn hơn trong giỏ hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát giá cả nghiêm ngặt do chính phủ thực thi cũng như trợ cấp lương thực ở nhiều quốc gia tiêu thụ có thể giúp kiềm chế phần nào lạm phát.
Giavang.net