Về cuối năm, nếu khu vực dịch vụ đạt tăng trưởng ở mức cao, trên 7,2%, sẽ là một động lực lớn cho kết quả tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế.
Những khó khăn lớn mà nền kinh tế Việt Nam đối mặt
Theo báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực.
Khu vực công nghiệp và xây dựng với nòng cốt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vai trò là động lực then chốt đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Tiêu dùng của dân cư sẽ là nhân tố chủ đạo đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhờ du lịch tăng mạnh, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá.
Với xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác diễn ra nhanh hơn do căng thẳng thương mại, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Hiệp định CPTPP khi chính thức có hiệu lực tạo không gian mới và có cơ hội lớn để thúc đẩy cải cách thể chế, mở rộng xuất khẩu… giúp Việt Nam nâng cao trình độ phát triển kinh tế và có khả năng tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, năm 2019 kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế.
Cụ thể, các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn hạn chế. Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức về nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp…
Xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố đang tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở khu vực nông thôn…
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến đối mặt với nhiều yếu tố bất định hơn từ môi trường kinh tế thế giới như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động đến việc chuyển hướng xuất nhập khẩu hàng hóa (gồm: nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam; thay đổi chuỗi cung ứng; thay đổi dòng vốn đầu tư)
Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… mà không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước.
Hay cuộc cách mạng khoa học 4.0 buộc các nước đang theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài như nước ta phải có những điều chỉnh trong chính sách phát triển kinh tế.
Kịch bản nào cho GDP năm 2019?
Với mức tăng trưởng Quý I đạt 6,79, nếu các Quý còn lại (Quý II, III và IV) đều đạt mục tiêu kịch bản đề ra, dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2019 ở mức 6,78%.
Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6,8%, cần có sự cố gắng trong việc thúc đẩy các biện pháp kinh doanh, để các chỉ tiêu không được thấp các mục đích đã đề ra. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) phải đạt cao hơn.
Bên cạnh đó, trong khu vực dịch vụ, nếu bối cảnh thuận lợi, nhất là việc đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm đạt mức cao (trên 7,2%) thì tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế cả năm có khả năng vượt mục tiêu đề ra, đạt mức tăng trưởng bằng hoặc cao hơn so với năm 2018 (7,08%).
Theo Cafef