33 C
Hanoi
26/04/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Thế giới Kinh tế Việt Nam Tin mới nhất

Fed tăng lãi suất: Chuyên gia đánh giá mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam

Nhận định về việc Fed tăng lãi suất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quyết định này tác động đến thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với chính sách điều hành kinh tế của chúng ta hiện nay thì Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 5-5,25%. Với lần tăng lãi suất thứ 10 này, lãi suất điều hành của Fed đã lên mức cao nhất kể từ năm 2007 cho tới nay. Nguyên nhân là vì lạm phát tại Mỹ có thể sẽ không giảm nhanh như dự báo trước đó.

Trong thông cáo báo chí, Fed đã không còn nhắc đến kỳ vọng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo báo hiệu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ có thể đã đến hồi kết. Dù vậy, việc Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ không cắt giảm lãi suất khi lạm phát vẫn ở mức cao đã tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam không chịu nhiều áp lực từ việc Fed tăng lãi suất lần này, thậm chí cơ hội giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế vẫn còn.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc Fed tăng lãi suất lần này được tính toán rất thận trọng, đa chiều, đa mục tiêu hơn. Cụ thể, quyết định này giúp Fed đạt được ít nhất 3 mục tiêu: Thứ nhất, tiếp tục kiên định cuộc chiến chống lạm phát. Thứ hai, tính đến bất ổn thị trường ngân hàng tại Mỹ và toàn cầu.

Đối với Việt Nam, ông Lực cho rằng việc tăng lãi suất lần này của Fed cũng nằm trong tiên lượng, trong tính toán của cơ quan điều hành và nhà đầu tư, nên sẽ tác động không đáng kể.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ ít chịu áp lực từ quyết định tăng lãi suất lần này của Mỹ. Bởi Việt Nam đang có thặng dư thương mại khá lớn (trên 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm) và đồng USD của Mỹ đang trong xu thế giảm giá. Điều này sẽ giúp cho tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài ổn định hơn khi Việt Nam đã và đang có nhiều biện pháp khôi phục kinh tế.

Hơn nữa, việc Fed phát đi thông điệp không còn tăng lãi suất nữa sẽ là cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất, từ đó thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, giảm bớt những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý: Tốt nhất, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải có động thái tích cực hơn nữa để hỗ trợ cho phục hồi đà tăng trưởng của Việt Nam, nếu không kinh tế sẽ tiếp tục lao dốc trong quý II này.

Chuyên gia kinh tế – tài chính TS Bùi Kiến Thành nhận định, nền kinh tế của Việt Nam cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang khá vững chắc. Bên cạnh đó, phía Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái rõ ràng bằng việc liên tiếp hạ lãi suất thời gian qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Đánh giá về động thái tăng lãi suất 0,25% của Fed, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho biết, Fed tăng lãi suất không phải là điều bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. Mức độ ảnh hưởng của kỳ điều chỉnh lần này tác động tới thị trường Việt Nam không lớn, có chăng, tác động chỉ mang tính ngắn hạn. Phía Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch từ trước và có hành động hạ lãi suất, bơm thanh khoản cho thị trường.

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh – chuyên gia phân tích của Chứng khoán ACBS cho biết, dự kiến thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ VND từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên do nhu cầu về vốn vay duy trì thấp do lãi suất vẫn cao hơn nhu cầu hiện tại của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hiện tại nguồn USD đổ vào Việt Nam đang dồi dào sẽ giúp hỗ trợ tỷ giá cũng như thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Cho nên, dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể được duy trì thấp trong thời gian tới, nhưng do áp lực từ việc tăng lãi suất điều hành của Fed vẫn còn nên vẫn không loại trừ khả năng áp lực tỷ giá quay trở lại.

Trong trường hợp đó các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải giảm thanh khoản thị trường liên ngân hàng để đẩy lãi suất VND không quá chênh lệch so với lãi suất USD. Trong trường hợp đó dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể dao động xung quanh mốc 5-6% nếu như áp lực tỷ giá quay trở lại.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....