Ngày 8/11, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida cho biết, nền kinh tế Mỹ có thể sẵn sàng nâng lãi suất cho vay chuẩn vào cuối năm 2022.
Fed đã giảm lãi suất xuống gần 0% vào tháng 3/2020 để giúp kiềm chế cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra. Sau đó, Fed bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng để giữ cho dòng tín dụng tiếp cận các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Các quan chức Fed tuần trước giữ nguyên lãi suất và thông báo sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô mua tài sản trong tháng 11/2021, quá trình này có thể kết thúc vào giữa năm 2022. Họ cho biết quyết định ”siết vòi” không ngầm hàm ý tín hiệu về chính sách lãi suất. Lo ngại về mức lạm phát cao, một số quan chức tranh luận về khả năng nâng lãi suất ngay khi quá trình siết vòi kết thúc.
Trong bài phát biểu trước Viện Brookings, ông Clarida cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới năm ngoái đã trải qua “cuộc suy thoái mạnh nhất và ngắn nhất lịch sử,” đồng thời nói thêm rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 dự kiến sẽ đạt tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1983.
Ông Clarida nói thêm lạm phát có rủi ro tăng thêm và cho biết ông không muốn thấy thêm một năm lạm phát vượt trên 2% như năm 2021. Lạm phát – tính theo thước đo yêu thích của Fed – tăng 4,4% trong giai đoạn 12 tháng kết thúc vào tháng 9/2021, và nếu loại trừ thực phẩm và năng lượng, lạm phát lõi ở mức 3,6%.
“Nếu tình trạng lạm phát này còn lặp lại trong năm tới, tôi không cho đây là thành công về chính sách”, ông nói.
Khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, giá cả hàng hóa trên toàn cầu cũng tăng mạnh do nhu cầu cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất và nhân công. Điều đó đã tạo ra mối lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng tốc và Fed sẽ phải tăng lãi suất mạnh hơn trong năm tới.
Mặc dù ông Clarida thừa nhận rủi ro về lạm phát gia tăng và sự gián đoạn nguồn cung là “đáng kể”, song cho rằng sự mất cân bằng này có thể “biến mất” theo thời gian, khi thị trường lao động và chuỗi cung ứng toàn cầu được điều chỉnh và không gây áp lực tăng liên tục cho lạm phát và tăng lương.
Giavang.net