(GVNET) – Hôm thứ Năm (6/3), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm lãi suất tiền gửi thêm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất xuống còn 2,5%.
Động thái này đánh dấu lần cắt giảm lãi suất thứ 6 trong vòng 9 tháng qua, phản ánh nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng euro trong bối cảnh tăng trưởng chậm chạp và những rủi ro từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

ECB cho biết, quyết định cắt giảm lãi suất lần này nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm chi phí vay cho doanh nghiệp và hộ gia đình. “Chính sách tiền tệ đang trở nên ít hạn chế hơn đáng kể, vì việc cắt giảm lãi suất khiến việc vay mới trở nên ít tốn kém hơn, đồng thời tăng trưởng tín dụng đang gia tăng”, ECB tuyên bố.
Lạm phát toàn phần trong khu vực đồng euro hiện vẫn duy trì dưới mức 3%, bất chấp sự gia tăng nhẹ trong những tháng cuối năm 2024. Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát giảm xuống còn 2,4% vào tháng 2/2025, thấp hơn so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn mức dự báo. Lạm phát cơ bản và lạm phát dịch vụ cũng có dấu hiệu hạ nhiệt sau một thời gian dài trì trệ.
Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực đồng euro không ghi nhận mức tăng trưởng nào trong quý IV/2024, và triển vọng năm 2025 tiếp tục bị phủ bóng bởi các yếu tố bất ổn, đặc biệt là chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ
Bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang tạo thêm thách thức cho ECB khi chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi chiến lược thuế quan cứng rắn. Nếu Mỹ thực hiện các biện pháp áp thuế đối ứng với những quốc gia đánh thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ, khu vực đồng euro có thể đối mặt với những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, Đức và Ủy ban châu Âu (EC) đang thúc đẩy các thay đổi lớn về chính sách tài khóa, tập trung vào tăng chi tiêu quốc phòng và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là để thay thế sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine. Kế hoạch này có thể tạo ra cú hích cho tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng làm gia tăng áp lực lạm phát trong dài hạn.
Các yếu tố kinh tế và địa chính trị phức tạp đặt ECB vào một thế khó. Nếu tăng trưởng chậm lại do chiến tranh thương mại, ECB có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Ngược lại, nếu chi tiêu quốc phòng và vay nợ gia tăng đẩy lạm phát lên cao, ECB có thể phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài.
Hai xu hướng này có thể khiến Hội đồng Quản trị ECB chia rẽ về quyết định chính sách tiền tệ trong những tháng tới. Theo nhận định của các nhà kinh tế tại Deutsche Bank, ECB có thể cắt giảm lãi suất xuống 1,5% vào cuối năm nay, với giả định rằng “những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại sẽ chi phối những tác động tích cực của chi tiêu quốc phòng vào năm 2025”.
Tổng hợp