28 C
Hanoi
06/05/2024
Image default
Đầu tư Đầu tư hàng hoá Tin mới nhất

Duy trì diễn biến tích cực, giá khí đốt tự nhiên tăng thêm gần 2%

Giá gas hôm nay (20/10) tăng 1,67% lên 5,53 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2022 vào lúc 11h (giờ Việt Nam).

Trong cuộc họp ngày hôm qua (19/10), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tán thành các đề xuất mới nhất của khối nhằm đặt trần giá năng lượng. Tuy nhiên, kết luận của cuộc họp chỉ giới hạn giá khí đốt được sử dụng trong sản xuất điện. 

Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 20 và 21/10, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một gói các đề xuất do Ủy ban châu Âu đưa ra vào thứ Ba (18/10) nhằm cố gắng giảm giá năng lượng đang tăng cao đang gây ra lạm phát và mối đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu.

Một dự thảo sửa đổi về kết luận hội nghị thượng đỉnh của họ cho biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ tán thành rộng rãi các đề xuất – bao gồm cả kế hoạch đưa ra mức giá chuẩn thay thế cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và bắt đầu mua khí đốt chung giữa các nước EU.

Mỗi đề xuất đều cần sự ủng hộ của đa số các nước EU – ít nhất 15 thành viên đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối.

Các đề xuất của Ủy ban không bao gồm mức trần giá khí đốt ngay lập tức, điều mà hầu hết các nước EU nói rằng họ muốn, nhưng cho biết Brussels có thể soạn thảo một đề xuất khác để đặt giới hạn giá tạm thời đối với Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu (TTF) của Hà Lan với một số điều kiện nhất định.

Các nhà lãnh đạo EU có vẻ sẽ ủng hộ ý tưởng đó, yêu cầu Brussels xem xét “hành lang định giá động” đối với các giao dịch khí đốt.

Nhưng với việc nhiều quốc gia đang tìm kiếm hành động cứng rắn hơn để kiểm soát giá thì dự thảo cũng sẽ yêu cầu Ủy ban “đề xuất một khuôn khổ tạm thời của EU để giới hạn giá khí đốt trong sản xuất điện ở mức thấp”.

Ý tưởng đó được gọi là “cơ chế Iberia” do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đưa ra, song lại không được đưa vào đề xuất của EU. Theo ông Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Brussels vẫn đang đánh giá ý tưởng, bao gồm cả việc nó sẽ được tài trợ như thế nào.

Các kết luận có thể khó giành được sự ủng hộ từ tất cả các nhà lãnh đạo, vì các quốc gia đang chia rẽ về cơ chế Iberia. Cụ thể, Pháp và các nước khác ủng hộ ý tưởng này như một cách để kiềm chế giá điện, trong khi Đức và Hà Lan lo ngại nó sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt.

Dự thảo kết luận cho biết mức trần giá khí đốt sử dụng cho sản xuất điện phải tránh làm tăng mức tiêu thụ khí, Natural Gas Word đưa tin.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....