23 C
Hanoi
21/11/2024
GiaVang.Net
Image default
Tin mới nhất Tin xã hội

Du lịch Thái Lan, nhiều người Việt bị lừa đổi tiền: ‘Những thứ rẻ cũng thường đi kèm với rủi ro’

Chi phí rẻ, thủ tục xuất nhập cảnh dễ dàng, dịch vụ du lịch đa dạng… đã khiến Thái Lan trở thành điểm đến hấp dẫn rất đông của du khách Việt Nam.

Một trong những điều du khách quan tâm nhất khi du lịch nước ngoài là tỷ giá ngoại tệ. Đa số muốn đổi được tỷ giá tốt để có thêm chi phí du lịch. Tuy nhiên, tâm lý ham rẻ có thể khiến bạn mất tiền oan. Hãy cảnh giác với chiêu trò lừa đảo này.

Hiện tại, tỷ giá baht đổi bên ngoài đang vào khoảng 710-720 (1 baht đổi được 710-720 đồng). Việc đổi baht ở các cửa hàng bên ngoài (chủ yếu là tiệm vàng) có thể khiến du khách bị phạt nếu cửa hàng này không phải “tổ chức tín dụng được phép đổi ngoại tệ”. Nhiều người vẫn ưu tiên cách này do nhanh, gọn, không bị yêu cầu giấy tờ như ngân hàng.

Có một số cách khác đổi tiền dễ dàng và tỷ giá thậm chí còn tốt hơn. Không khó để tìm một bài viết “pass lại baht dư sau khi du lịch Thái Lan” trên các hội nhóm mạng xã hội. Nếu tỷ giá bên ngoài khoảng 710-720, người bán này thường sẽ rao thấp hơn, cỡ 680-690. Tuy nhiên, những thứ rẻ cũng đi kèm với rủi ro.

Anh Võ Duy Khang, quản lý nhóm kinh nghiệm du lịch Thái Lan tự túc, chia sẻ: “Tháng nào cũng có người đăng bài bị lừa đổi baht. Họ lợi dụng tâm lý ham rẻ. Khi khách chuyển khoản xong, đối tượng chặn luôn liên lạc. Bạn nên tìm những người có đủ uy tín để giao dịch theo hình thức kiểu này”.

Ảnh minh họa

Đoàn Triệu Ngân, sống tại Thái Lan, cho biết mình thường xuyên về Việt Nam để bán hàng. Thỉnh thoảng, cô cũng đem baht từ Thái Lan về đổi cho khách chuẩn bị du lịch. Ngân cho biết cô từng suýt dính vào một vụ lừa đảo tay 3.

Hình thức lừa đảo này khá tinh vi (tạm gọi người mua là A, kẻ lừa đảo là B và người bán baht là C). B chấp nhận mua baht của C với giá cao và đồng ý bán cho A với giá cực rẻ. B yêu cầu C đem tiền đến giao dịch trực tiếp với A (C và A không biết nhau). A thấy tiền trước mắt nên yên tâm chuyển khoản cho B. Khi nhận được tiền, B chặn cả A và C để họ tự giải quyết với nhau.

“Tôi biết có rất nhiều người bị lừa. Số tiền lừa đảo có vụ phải lên tới cả trăm triệu đồng bởi người mua là dân buôn”, Ngân chia sẻ.

Ngoài ra, một số trường hợp khách đổi baht bị dính tiền giả. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn khá hiếm gặp.

Cách dễ nhất là chọn những điểm đổi tiền uy tín và so sánh chênh lệch tỷ giá. Đổi ngoại tệ tại ngân hàng cũng có giá tốt nhưng bạn sẽ phải xuất trình một số giấy tờ liên quan đến chuyến đi.

Hiện tại, toàn bộ ngân hàng ở Thái Lan đều có tính năng rút tiền không dùng thẻ (cardless withdrawal) như ở Việt Nam. Tính năng này nổi bật về độ nhanh, hạn mức cao và tiện lợi. Thái Lan khai thác nguồn thu từ du lịch lớn nên cây ATM có ở khắp nơi, từ các trung tâm thương mại, trạm tàu, trước cửa siêu thị tiện lợi…

“Ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể rút và dùng tiền. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu đơn thuần đi du lịch, mọi người không nên lăn tăn quá nhiều về tỷ giá. Bản thân mình thấy hợp lý là được”, Ngân nói.

Ngoài hình thức lừa đảo trên, du khách tới Thái Lan cũng cần cảnh giác những kẻ lừa đảo như một số tài xế taxi hoặc xe tuk-tuk, thường được phát hiện gần lối vào các điểm du lịch hoặc đền thờ lớn. Những đối tượng này thường đánh lừa những người nước ngoài rằng nơi này đang “đóng cửa” và gợi ý đưa họ đi mua sắm ở nơi khác.

Nạn nhân sẽ bị đưa đến tiệm may hoặc cửa hàng trang sức, nơi họ sẽ bị lừa mua những món đồ kém chất lượng hoặc giá trị thấp với giá cao ngất ngưởng.

Để đối phó với tình trạng này, lực lượng cảnh sát Thái Lan đã tăng cường tổ chức tuần tra tại các địa điểm du lịch chính. Bên cạnh đó, cảnh sát du lịch đang làm việc với các quan chức nhập cư và chính quyền địa phương để giải quyết vấn đề, bao gồm việc gắn các biển cảnh báo tại các sân bay và các địa điểm du lịch.

Theo thống kê, sau Covid-19, Việt Nam nằm trong top 5 nguồn khách lớn nhất của Thái Lan với gần 373.000 lượt khách trong 11 tháng 2022, tương đương với trước dịch.

Giavang.net tổng hợp

Đang tải....