31 C
Hanoi
28/04/2024
Image default
Kinh tế Kinh tế Việt Nam Tin mới nhất

Dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2-3,6%.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Điều hành Giá họp bàn phương án điều hành giá cuối năm, diễn ra ngày 11/10, Bộ Tài chính dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2-3,6%.

Theo đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5%, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát. Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022; kịch bản 2 ở mức cao hơn, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 – 3,6%. Còn Tổng cục thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,3-3,6%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng ở mức 3,4% (cộng trừ 0,3%).

Nói thêm về điều hành giá cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho rằng từ nay đến cuối năm còn 2,5 tháng, nếu không có gì quá đột biến thì có thể hoàn thành mục tiêu lạm phát 4,5%, thậm chí thấp hơn dưới 4%.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng bày tỏ lo ngại về tình hình giá xăng dầu đang có xu hướng tăng từ tháng 9 đến nay khi bình quân tháng 9/2023, các mặt hàng dầu thô đã tăng khoảng 6%, thậm chí giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu đã tăng từ 11-20% so với tháng 8. Điều đáng lo ngại hơn là giá dầu đang tăng liên tục khi cuộc xung đột giữa Hamas với Israel đang diễn ra. Do đó, việc điều hành phải có tính toán và sử dụng linh hoạt công cụ bình ổn giá xăng dầu.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng chỉ số CPI tăng 3,16% trong 9 tháng qua là thành công trong điều hành. Từ nay đến cuối năm, ông đề nghị các bộ, ngành phải kiên định điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Đặc biệt, đối với công tác điều hành giá trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị lưu ý đến giá xăng dầu và giá mặt hàng lương thực.

Theo Phó Thủ tướng, hiện có một số yếu tố như Nga và Saudi Arbia cắt giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng giá vào những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó là vấn đề biến động giá mặt hàng lương thực, lúa gạo, để vừa xuất khẩu, vừa bảo đảm an ninh lương thực. Do đó, cần phải tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, đánh giá các tác động để chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp.

Về chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ tỷ giá ổn định, giữ giá trị đồng tiền ở mức hợp lý, không để tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô.

Đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu khác, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.

Dự báo từ nay tới cuối năm vẫn còn dư địa điều hành giá, tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành, giữ được chỉ số lạm phát thấp hơn mục tiêu”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....