23 C
Hanoi
10/10/2024
Image default
Mục khác Tin mới nhất

Đồng yen rớt giá mạnh, lao động Việt Nam ở nhật lo “ngay ngáy”

Đồng yen suy yếu ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch chi tiêu, gửi tiền về quê nhà của rất nhiều lao động nước ngoài ở Nhật, trong đó có người Việt.

Ngày 14/7, tỷ giá Yen/USD ghi nhận mức thấp nhất trong 24 năm qua, trong bối cảnh Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Tỷ giá giữa hai đồng tiền đã có lúc lên tới 137,99-138 yen/USD, cao nhất kể từ tháng 9/1998. Kể ngày 14/7 đến nay, giá yen đã tăng chút đỉnh nhưng không đáng kể.

Anh Trần Duy Khải (kỹ sư cơ khí) mới sang Nhật hơn 2 tháng, còn trong thời gian học việc. Theo hợp đồng đã ký với công ty bên Nhật, mỗi tháng anh sẽ nhận mức lương 220.000 yen. Trừ các khoản thuế, chi phí tiền nhà, ăn uống sinh hoạt hàng này, anh còn lại khoảng 150.000 yen. Quy đổi sang VND thời điểm hiện tại, anh chỉ nhận khoảng 25 triệu đồng.

Thời điểm nộp hồ sơ xin sang Nhật làm việc, anh dự tính mức lương khoảng 45 triệu đồng. Do khoản vay nợ làm hồ sơ đi Nhật nên anh Khải buộc phải chuyển đổi ngoại để gửi về Việt Nam, chấp nhận thiệt hàng triệu đồng.

Tương tự, anh Lưu Đức Anh (một lao động người Việt tại Nhật) cho biết, yen giảm giá khiến cho người lao động thu nhập giảm nếu quy đổi sang USD hoặc tiền Việt.

Theo lời anh Đức Anh, thời điểm tháng 12/2020, một lao động xuất khẩu có thu nhập 130.000 yen (khoảng 29 triệu đồng), nay họ chỉ nhận được 21,9 triệu đồng, giảm hẳn 7 triệu đồng nếu quy đổi sang tiền Việt.

“Mình đi lao động xuất khẩu cũng dành dụm được một ít nhưng chưa đổi sang USD để gửi về nhà vì tiền yen đang quá thấp. Nếu đồng yen tiếp tục mất giá thế này thì người lao động như mình rất thiệt thòi”, anh nói.

Ảnh minh họa

Chị Đặng Hường, sống ở Nagoya chia sẻ: “Nhà tôi sang đây cả chục năm rồi, nhưng đây là lần đầu tôi thấy giá yen rớt thê thảm như thế này”, chị Hường cho biết thêm một số kế hoạch của gia đình đã bị gián đoạn vì tình trạng này.

Chị Dung Hà (30 tuổi), thực tập sinh ngành thủy sản tại thành phố Tottori gần 6 năm, chia sẻ: “Ban đầu nghe tin đồng yen mất giá kỷ lục, tôi buồn và hụt hẫng. Nhưng sau một thời gian, tôi đã buông xuôi. Tôi xóa tất cả ứng dụng thông báo giá yen vì đã quá mệt mỏi”.

Một trong những ảnh hưởng lớn từ việc đồng yen mất giá mà rất nhiều lao động và du học sinh Việt ở Nhật vướng phải là họ trở nên dè dặt trong việc gửi tiền về cho gia đình, vì “xót tiền” và “lỗ quá nặng”.

“Thỉnh thoảng bố mẹ tôi có gọi điện hỏi. Ngày xưa, khi nhà cần tiền, bố mẹ chỉ cần nói một tiếng là tôi sẽ gửi tiền về liền. Nhưng lúc này, có lẽ đi vay ngân hàng ở Việt Nam là lựa chọn tốt hơn”, Dung Hà cho biết.

“Bình thường ngày xưa, 10.000 yen quy đổi 2,1-2,2 triệu VNĐ, có thể tiêu xài thoải mái. Nhưng lúc này số tiền ấy chỉ còn 1,6-1,7 triệu. Tôi thấy tiếc công tôi lao động. Thời điểm này, mọi người cũng hạn chế gửi tiền hoặc về Việt Nam chơi vì phải đổi tiền dùng”, Dung Hà nói thêm.

Nhiều lao động cho biết không chỉ việc gửi tiền về Việt Nam bị ảnh hưởng, mà ngay cả cân bằng chi tiêu của họ cũng đang lao đao vì yen suy yếu cộng thêm tác động của lạm phát.

Yen giảm mạnh so với USD trong bối cảnh lo ngại khoảng cách lãi suất của Nhật và Mỹ ngày càng tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp chính sách vào các ngày 27-28/7 để đối phó với lạm phát kỷ lục trong hơn 40 năm.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên trì duy trì chính sáchh tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế. BOJ dự báo, lạm phát trung bình của nước này trong năm tài khóa 2022 có thể đạt mức 1,9%, sau đó lại giảm xuống 1,1% trong năm tài khóa 2023 và 2024.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 13/6 cảnh báo cho các thị trường rằng Toyko đã quan ngại về sự sụt giảm mạnh của đồng yen và sẵn sàng “phản ứng thích hợp” nếu cần thiết.

Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát các diễn biến trên thị trường ngoại hối và tác động đến nền kinh tế Nhật Bản”.

Một cuộc khảo sát chuyên gia do Bloomberg thực hiện dự báo tỷ giá đồng Yen sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 128 yên đổi 1 USD, không có nhiều thay đổi so với mức hiện tại. Tuy nhiên, một số nhà dự báo, gồm Commerzbank và Societe Generale, cho rằng đến cuối năm, yen có thể giảm về 150 Yên đổi 1 USD.

Trong thời gian dài, Nhật Bản được cho là đã hưởng lợi từ yen yếu. Yen yếu sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời, các ngành phi chế tạo như dịch vụ cũng được hưởng lợi từ hoạt động tiêu dùng của khách nước ngoài đến Nhật Bản gia tăng.

Giavang.net

Tin liên quan

Đang tải....