Sẽ là sai lầm lớn khi tiếp tục kỳ vọng đồng đô la tiếp tục chạm đỉnh giá, bởi đơn giản đây là điều được rút ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Nhưng, đó cũng sẽ là một sai lầm khi mong đợi sự vượt lên hơn nữa của các thị trường mới nổi. Mặc dù các quốc gia thuộc khối này có xu hướng được hưởng lợi tạm thời khi đồng đô la suy yếu, do chịu tác động ngược chiều với biến động của đồng tiền này.
Ivan Martchev – chiến lược gia của Nav Bark and Associates, nêu những nhận định trên trong một bài phân tích đáng chú ý phát hành hôm nay trên Market Watch.
Vị thế đồng đô la
Thực tế trên thị trường tiền tệ quốc tế hiện nay, diễn biến đáng chú ý là Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 7 và thông báo dừng thu hẹp bảng cân đối trong năm nay – hay là ngừng thắt chặt định lượng. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương của nhiều nước phát triển trên thế giới vẫn duy trì chế độ nới lỏng định lượng (QE), và trong một số trường hợp thậm chí còn tăng tốc giải pháp chính sách này.
Ivan Martchev chia sẻ, ông không thấy “ánh sáng cuối đường hầm” của việc nới lỏng định lượng trên toàn cầu. Với 13 nghìn tỷ đô la trái phiếu chính phủ toàn cầu hiện đang tạo ra lợi suất âm, câu hỏi cần được đặt ra là mức lãi suất còn thấp xuống bao nhiêu và trò chơi kết thúc thế nào?
Fed đã nỗ lực để bình thường hóa chính sách tiền tệ, với nhiều lần tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối suốt mấy năm vừa qua. Nhưng, hành động như vậy rất khó duy trì trong một thế giới mà tất cả các ngân hàng trung ương khác đang làm điều ngược lại.
Giống như các chính sách của Fed luôn ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới – đặc biệt là tình trạng dự trữ của đồng đô la Mỹ, nhưng hành động ngược lại của các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế hàng đầu này.
Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ có thể sẽ không ở mức gần 2% nếu thị trường trái phiếu 13 nghìn tỷ đô la của thế giới không duy trì lãi suất âm và trái phiếu Mỹ được coi là phi rủi ro. Trong một thị trường trái phiếu lãi suất âm diện rộng, trừ Mỹ, chính sách QE của ngân hàng toàn cầu đã hỗ trợ lãi suất kho bạc và giá đồng đô la Mỹ, bất chấp thâm hụt Liên bang Mỹ gia tăng do cắt giảm thuế của Trump.
Đồng đô la sẽ khó giảm giá trong môi trường mà chính sách QE trải rộng trên toàn cầu, trong khi chỉ có Fed đang thu hẹp bảng cân đối kế toán. Chênh lệch ròng của QE toàn cầu thực sự lớn hơn nhiều so với hiệu ứng thắt chặt định lượng của Fed
Nới lỏng định lượng giống như in thêm tiền. Khi tiết kiệm trở nên vượt giới hạn, chủ sở hữu thường sẽ tìm nơi trú ẩn ở thị trường trái phiếu. Riêng ở Mỹ, QE khiến tiết kiệm vượt mức sẽ tìm nơi trú ẩn ở trái phiếu và thị trường thế chấp, sau đó đi xuống các công cụ tài chính kiếm tìm lợi nhuận có rủi ro hơn. Nó giống như kéo nền kinh tế ra khỏi giảm phát bằng cách cho vay dưới chuẩn, mà nếu không làm vậy nền kinh tế sẽ “tự diệt”.
Khi chênh lệch lợi suất thu hẹp, lãi suất “thả nổi” theo QE, điều này sẽ khiến người vay chịu rủi ro nhiều hơn, những người có thể không trả được nợ hoặc không thể đảo nợ. Ngoài ra, theo QE, Fed tiền tệ hóa tái phiếu. Khi các đại lý mua trái phiếu kho bạc mới phát hành, đã có lúc họ biết rằng 80% đến 90% trong số trái phiếu đó sẽ ngay lập tức được Fed mua vào.
Hiệu ứng số nhân tín dụng
Mặc dù dự trữ vượt mức không tạo hiệu ứng số nhân tín dụng, do không được cho vay vào thị trường qua tài trợ vốn, thì khi chúng trở thành nguồn chi tiêu sẽ lập tức tạo số nhân tín dụng. Với QE, mọi người đều tiếp cận được tới tiền, họ gửi tiền vào ngân hàng, các ngân hàng cho vay nhiều tiền hơn, quy trình đó khiến chi tiêu tăng thêm một lần nữa và số nhân tín dụng giúp hoạt động kinh tế ở Hoa Kỳ khởi sắc.
Nhưng thật đáng tiếc, động lực QE tương tự đã không thể tạo ra kết quả tốt với kinh tế châu Âu hoặc Nhật Bản. Hoạt động kinh tế của công ty con trên lục địa già và vùng đất mặt trời mọc đang yêu cầu các ngân hàng trung ương giữ chính sách QE của họ, để giữ chênh lệch lãi suất có lợi cho đồng đô la.
Khi thế giới chờ đợi Fed cắt giảm lãi suất cho vay 25 điểm cơ bản vào cuối tháng 7, cộng đồng nhà đầu tư, được hỗ trợ bởi chính sách QE của ngân hàng trung ương toàn cầu, đã đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm từ mức cao 3,24% vào đầu tháng 11 xuống mức thấp 1,94% vào tháng 6/2019, hay giảm 130 điểm cơ bản chỉ trong bảy tháng.
Theo Ivan Martchev, thị trường đã đưa ra một sự cắt giảm lãi suất mạnh, nhưng đồng đô la vẫn vững chắc.
Ai đó có thể nói rằng lãi suất trái phiếu kho bạc đang buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải tính toán cắt giảm lãi suất chính sách, để khiến nó trở nên phù hợp hơn với lãi suất thị trường. Nhưng. tỷ lệ lãi suất cắt giảm đó có thực sự dựa vào thị trường nếu chính sách QE toàn cầu vẫn đang giúp Mỹ đạt được điều họ muốn?
Cho đến nay, lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm âm ở mức -0,76% có ở Thụy Sĩ; Đức đóng cửa tuần trước ở mức -0,32%; Hà Lan -0,21%; Nhật Bản -0,13%; Pháp -0,07% và Bỉ -0,01%.
Nhưng, nhiều quốc gia có thể sẽ tham gia “câu lạc bộ” lãi suất âm này khi xu hướng lợi xuất đang xuống, như trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang ở mức 0,39% và 0,46%; Ý, sau thay đổi chính phủ năm ngoái đã chứng kiến trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này cao tới 3,78% nhưng do bất đồng với Liên minh châu Âu về chi tiêu thâm hụt, đã ghi nhận lãi suất giảm mạnh vào tuần trước xuống còn 1,61%…
Vấn đề ở đây là chính sách của ngân hàng trung ương có giới hạn của nó. Châu Âu và Nhật Bản có một số vấn đề về cơ cấu và nhân khẩu học mà chính sách ngân hàng trung ương không thể giải quyết được.
“Tôi lo rằng nếu cố gắng quá lớn với chính sách QE sẽ gây tác dụng phụ ở châu Âu và Nhật Bản, vì cấp ra quá nhiều “đơn thuốc” tiền tệ hơn cho “con bệnh” khi nó chưa hoạt động tốt có lẽ không phải là cách nên tiến hành”, Ivan Martchev nói.
Ngoài ra, nếu có một thỏa thuận thương mại của Mỹ – Trung được thông qua, khối lượng thương mại toàn cầu có thể được cải thiện và đồng đô la có thể bị bán tháo vì sự an toàn của nó trở nên không cần nữa.
“Nếu một thỏa thuận thương mại được công bố vào năm 2019, điều đó có thể gây áp lực lên đồng đô la”, Ivan Martchev nói. “Nhưng một thỏa thuận thương mại cũng sẽ giúp thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc được cải thiện, và điều đó sẽ là một cú huých tích cực với đồng đô la”.
Theo Thời báo Ngân hàng